Cách bố trí và vai trò của hệ thống thủy lợi trong sản xuất lúa hữu cơ tự nhiên

Như ông bà mình vẫn dạy “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” nên việc thiết kế hệ thống kênh mương thủy lợi cấp/tiêu nước cho đồng lúa đóng vai trò rất quan trọng. Dùng nước để cách li cánh đồng của mình, cân bằng các thành phần trong toàn bộ hệ sinh thái cho cánh đồng, chủ động kiểm soát sâu bệnh hại và nâng năng suất lúa bằng các phương pháp dựa trên yếu tố nước này.
Quy trình – phương thức trồng lúa không dùng phân, thuốc hóa học của Võ Văn Tiếng
CHUYÊN ĐỀ 1: THIẾT KẾ HỆ SINH THÁI

Bài 3: Cách bố trí và vai trò của hệ thống thủy lợi trong sản xuất lúa hữu cơ tự nhiên

1. Bố trí hệ thống

Đầu tiên, nhìn một cách tổng thể – cánh đồng trang trại Tâm Việt của Tiếng hiện tại chỉ có hơn 40hecta trong cả một khu vực đồng ruộng mà đã một thời gian dài người dân sử dụng phân bón hóa học cũng như các loại thuốc bảo vệ thực vật để canh tác. Vì vậy việc đầu tiên là dành 10% diện tích thiết kế hệ thống bờ bao để đảm bảo cánh đồng không bị ngập úng và kênh bao cách li nguồn nước với bên ngoài. Cùng với đó là các đường mương xương cá dọc theo các ô ruộng để chủ động cấp/tiêu nước cho từng thửa.

Cùng với cách li bằng bờ bao, lượng nước trong các mương bao xung quang luôn được giữ ở mức cao hơn so với mực nước các ruộng lúa bên ngoài để đảm bảo nước bên ngoài thẩm thấu vào trong khu vực ruộng canh tác.

Ở khu vực có độ cao lớn nhất, Tiếng bố trí ao lắng đầu nguồn, nước bơm từ kênh bên ngoài được lắng lại rồi mới xả vào đồng lần lượt theo mặt ruộng có độ cao chênh lệch bậc thang như cách canh tác của người dân phía Bắc. Việc xả – rút nước được vận hành tuần tự theo lịch gieo sạ/tuổi lúa ruộng trên/dưới, cụ thể khi ruộng phía trên đến lịch rút nước thì ruộng dưới đến kỳ xả nước, cách rút, xả này sẽ giảm chi phí vận hành bơm thay cho việc bơm tưới cả cánh đồng. Các đường mương cũng là đường thu hồi nước bằng cách bơm hút hoặc xả vào các ao chứa mà không bị thất thoát ra bên ngoài. Với cách bố trí và xả/cấp nước như vậy lượng nước tưới cho cánh đồng của Tiếng giảm ít nhất ¼ (cùng trong một lần bơm – các thửa ruộng phía dưới sẽ dùng lại nước của các thửa ruộng bên trên)
2. Lọc xử lý nước
Theo các nhà khoa học, có 3 cỗ máy lọc nước hiệu quả của tự nhiên là lục bình, rau muống và sen. Trên các đường mương – Tiếng thả rau muống tự nhiên – hệ thống rễ của rau muống sẽ hút lọc các loại hóa chất tồn dư trong nước, theo thời gian nguồn nước được lọc rửa. Cùng với đó, Tiếng trồng sen dọc các đường mương lớn, ngoài việc tạo cảnh quang, nhiệm vụ chính của sen là lọc nước, hút kim loại nặng trong đất. Cho đến thời điểm hiện tại – tất cả các mẫu đất, nước canh tác trong trang trại Tâm Việt được Tiếng mang đi kiểm tra theo các tiêu chuẩn hữu cơ (USDA, EU) đều đạt các chỉ số yêu cầu.

Với môi nước được lắng lọc không còn tồn dư các loại hóa chất, không đánh bắt tận diệt nên các loại cá đồng xuất hiện trở lại và sinh sôi như cá long tong, cá rô đồng, sặc… Lượng cá này sẽ đi theo mương nước vào ruộng ăn các tạp chất, rong tảo, phù du làm sạch nước và thải lại chất dinh dưỡng cho lúa sinh trưởng. Đây cũng là lực lượng diệt trừ một phần các loại trứng, ấu trùng sâu rầy bám trên thân lúa cùng với các hệ thống phòng thủ bên ngoài để phòng và diệt trừ sâu hại trên cánh đồng (Chúng tôi sẽ phân tích kỹ ở phần phòng trừ sâu hại mà không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật)
3. Nước xử lý cỏ dại, sâu bệnh

Với việc bố trí hệ thống kênh mương – cấp/tiêu nước chủ động lượng nước vào ra cũng như đảm bảo nguồn nước hoàn toàn không tồn dư các loại hóa chất, kim loại nặng để các loại cá, vi sinh vật trong đất, nước phát triển. Trong xuyên suốt quy trình canh tác, nước được sử dụng để diệt ém cỏ dại (cỏ mầm, cỏ cây) trong giai đoạn gieo sạ (Xem quy trình dùng nước để xử lý cỏ dại – hoàn toàn không sử dụng thuốc diệt cỏ); Điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm trong nền ruộng để phòng – khống chế bệnh đạo ôn cho lúa (Phương thức phòng – xử lý nấm bệnh đạo ôn trên lúa không sử dụng thuốc hóa học); Sử dụng nước để diệt các loại sâu, rầy hại lúa bằng cách tính toán lịch di cư – đẻ trứng trong vòng đời của sâu bệnh.

Cùng với việc điều chỉnh lượng nước dựa trên tuổi lúa để thả vịt ăn ốc bươu vàng, các loại sâu rầy hại mà không ảnh hướng tới lúa (Phương thức xử lý sâu rầy bằng việc rút xả nước trong đồng – không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật)
Võ Văn Tiếng chia sẻ cách bố trí và vai trò của hệ thống thủy lợi trên trang trại Tâm Việt

Bài tiếp theo: “Nuôi đất” – phương pháp cải tạo – phục hồi và thúc đẩy dinh dưỡng – giải bài toán năng suất
Võ Văn Tiếng (Chuyện Làm Nông ghi)

Nội dung bài viết, video và hình ảnh thuộc bộ tài liệu trong “dự án huấn luyện nông dân canh tác bền vững”, với sự hỗ trợ của Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Tổ chức thực hiện: Tiến sĩ Nguyễn Văn Giáp; Mai Phú Khuynh
Người thực hành và hướng dẫn: Võ Văn Tiếng
Hãy để lại ý kiến của bạn để chúng ta cùng xây dựng về cách làm này

 

quantriquantri

Bình luận

Tạo bài viết