Chuyến làm việc thực địa của Lãnh sự quán Hoa Kỳ trên Trang trại Tâm Việt.

Với mục đích hỗ trợ triển khai các dự án giúp nâng cao đời sống văn hóa của nông dân, phổ biến phương thức canh tác bền vững, bảo vệ môi trường tại Việt Nam, ngày 17/12/2018 ông Matthew Alexander Ference – Cán bộ công vụ
Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại thành phố Hồ Chí Minh và Tiến sĩ Nguyễn Văn Giáp – Giảng viên trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cùng đoàn công tác đã có chuyến thăm thực địa tại Trang trại Tâm Việt của nông dân trẻ Võ Văn Tiếng (xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Đây là trang trại canh tác lúa hữu cơ tự nhiên, hoàn toàn không sử dụng phân bón hóa học và các loại thuốc bảo vệ thực vật.

Tại buổi làm việc, nông dân trẻ Võ Văn Tiếng chia sẻ về quá trình nghiên cứu, thử nghiệm và tổ chức sản xuất lúa hữu cơ trên mô hình hơn 40ha với những phương thức tổ chức đồng ruộng – thiết kế hệ sinh thái tự nhiên giúp kiểm soát – phòng ngừa và khống chế dịch hại, những cách cải tạo và hộ trợ môi trường sinh thái phát triển tương hỗ để giúp canh tác lúa gạo mà không phải sử dụng phân bón hóa học và các loại thuốc bảo vệ thực vật gây tác động đến môi trường và chất lượng nông sản. Với cách làm này, bên cạnh việc bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái động thực vật tự nhiên thì sản phẩm gạo của Võ Văn Tiếng đã đảm bảo các chỉ số của tiêu chuẩn thực phẩm hữu cơ, các mẫu đất, nước và gạo thành phẩm được gửi đi kiểm định đều đạt yêu cầu (theo tiêu chí của Bộ nông nghiệp Hoa Kỳ – USDA và EU).
Chất lượng gạo đảm bảo, quy trình canh tác rõ ràng, thương hiệu gạo Tâm Việt của Võ Văn Tiếng được bán với giá gấp 2 lần giá gạo thông thường, phân phối chủ yếu ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, diện tích nhỏ và năng suất lúa ở thời điểm hiện tại chưa cao nên lượng gạo cung cấp thường không đủ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Trên cơ sở đó, bắt đầu từ vụ thu đông năm 2019 Võ Văn Tiếng đã mở rộng quy mô sản xuất lên 120ha tại huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An, đồng thời chuyển giao lại toàn bộ quy trình và khu vực sản xuất cũ ở xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, đây là diện tích được gom từ nhiều nông dân liền kề. Khi chuyển giao, những nông dân này sẽ tiếp tục canh tác theo quy trình mà Tiếng đang áp dụng, sản phẩm gạo sẽ được Võ Văn Tiếng bao tiêu với thương hiệu Tâm Việt. Đây cũng là cách Võ Văn Tiếng mong muốn tổ chức nông dân sản xuất trong tương lai.
“Cách làm của Võ Văn Tiếng nghe có vẻ đơn giản nhưng đòi hỏi phải có một sự hiểu biết rất sâu và rộng về tự nhiên, tổng thể các yếu tố động thực vật, vi sinh vật, môi trường đất, nước trong hệ sinh thái. Quan trọng là việc không phải sử dụng phân bón hóa học và các loại thuốc bvtv mà vẫn làm ra sản phẩm có chất lượng cao. Điều này rất cần thiết trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp hiện nay” ông Matthew Alexander Ference – Cán bộ công vụ Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại thành phố Hồ Chí Minh.

“Bằng cách làm thực tế đã mang lại hiệu quả ở những mô hình cụ thể như này, chúng tôi sẽ tổng hợp lại dưới dạng tài liệu chia sẻ trực tuyến, được thể hiện bằng nhiều hình thức như video, bài phân tích, hình ảnh minh họa…theo quy trình thực tế canh tác mà những người như Võ Văn Tiếng sẽ là những chủ thể chia sẻ và hướng dẫn. Sau đó sẽ được phân phối qua hệ thống website và các công cụ mạng xã hội để tất cả những ai quan tâm và có kế hoạch sản xuất có thể tham khảo và làm theo. Những công cụ này cũng cho phép mọi người có thể tương tác, thảo luận và tổ chức thực hành”. Tiến sĩ Võ Văn Giáp – Giảng viên Trường đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh – Đại diện ban tổ chức thông tin thêm trong buổi làm việc về dự án “huấn luyện nông dân canh tác bền vững” với sự hỗ trợ của Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Xem chi tiết: Võ Văn Tiếng – Hướng dẫn quy trình trồng lúa hữu cơ không sử dụng phân bón hóa học và thuốc BVTV
Làm Nông

quantriquantri

Bình luận

Tạo bài viết