Cơ hội để nông dân Việt Nam “bơi cùng cá mập”

Trung Nguyên mở cửa hàng cà phê đầu tiên tại Thượng Hải, đồng thời mở văn phòng tại Hàn Quốc với tham vọng đưa cà phê Việt Nam tham gia sâu hơn vào thị trường thế giới. Tuy nhiên, tiềm lực của doanh nghiệp là có hạn, sẽ không riêng gì cà phê, phương án tối ưu trong việc phát triển nông nghiệp ở ta vẫn là phải hợp tác, liên kết với nông dân để có được nguồn nguyên liệu chất lượng từ đó xây dựng thương hiệu sản phẩm một cách bền vững, đây cũng là cơ hội cho nông dân Việt Nam với sự dẫn dắt của những doanh nghiệp như Trung Nguyên để cùng nhau bơi ra biển lớn.

Liên kết, Tiêu chuẩn: Điều tất yếu

Sau cải cách, ngành nông nghiệp Việt Nam từ thiếu ăn đã tăng trưởng mạnh mẽ với lượng nông sản dôi dư lớn để tham gia vào thị trường xuất khẩu với sự dẫn dắt của các doanh nghiệp. Trong nhiều giai đoạn phát triển, nông nghiệp đã làm tốt vai trò bệ đỡ cho nền kinh tế, giá trị gia tăng toàn ngành nông nghiệp hiện tại đạt 3,36% GDP, số lượng doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất, chế biến, giao thương nông sản ngày một nhiều. Tuy nhiên với xu hướng tiêu dùng ngày càng cao trong khi thực trạng ruộng đất manh mún nhỏ lẻ, người dân phần lớn vẫn sản xuất tự phát dẫn đến chất lượng nông sản cũng như “tính hàng hóa” chưa cao, chưa đáp ứng được các yêu cầu ngày càng khắt khe của các thị trường quốc tế.

Giá trị gia tăng toàn ngành (GDP) năm 2022 tăng cao nhất trong những năm gần đây: Năm 2019 tăng 2,67%; năm 2020 tăng 3,04%; năm 2021 tăng 3,27%; năm 2022 tăng 3,36%. Trong đó, nông nghiệp tăng 2,88%; thủy sản tăng 4,43%, lâm nghiệp tăng 6,13%; kim ngạch xuất khẩu toàn ngành trên 53,22 tỷ USD. Bên cạnh đó, tỉ lệ che phủ rừng đạt 42,02%; tỉ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 73%

Trong toàn bộ chuỗi sản xuất ở bất cứ ngành hàng nào, doanh nghiệp cũng chỉ có thể giữ vai trò ở một khâu nào đó. Với nông nông nghiệp, các doanh nghiệp trong giới hạn khả năng của mình chỉ có thể đầu tư ở mức độ nhất định về vùng nguyên liệu hoặc một khâu nào đó như chế biến, kho vận hoặc thương mại, vẫn sẽ phải hợp tác – liên kết với nông dân – lực lượng sở hữu phần lớn tư liệu sản xuất để có được nguồn cung nguyên liệu đầu vào. Trong khi đó, chất lượng, phẩm chất nguồn nguyên liệu sẽ giữ vai trò lớn quyết định đến chất lượng của sản phẩm đầu ra. Việc mở rộng thị trường có thành công hay không sẽ phụ thuộc phần lớn vào khả năng cung ứng dựa trên chất lượng của sản phẩm.

Việt Nam có nhiều ưu thế về thổ nhưỡng, phẩm chất của các loại nông sản đặc thù, đặc hữu, nhưng bị phân tán theo khu vực địa lý và đặc biệt là tình trạng sở hữu đất đai nhỏ lẻ. Việc tổ chức liên kết, xây dựng vùng nguyên liệu tiêu chuẩn, doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến và các khâu thương mại với sự hỗ trợ của nhà nước, các nguồn lực hợp tác trong ngoài là giải pháp tối ưu để phát triển nông nghiệp bền vững, doanh nghiệp có thể mở rộng thị trưởng, nông dân cũng như các bên tham gia trong chuỗi liên kết có thể phát gia tăng giá trị, lợi nhuận, vai trò của mình trong chuỗi liên kết ấy.

Theo số liệu thống kê, Việt Nam hiện có 17,3 triệu hộ ở địa bàn nông thôn, trong đó 9 triệu hộ nông dân có diện tích canh tác bình quân ở mức thấp (Đồng bằng sông Cửu Long 0,71ha, đồng bằng sông Hồng 0,22ha, duyên hải miền trung 0,01ha, bình quân 2,5 thửa ruộng/hộ). Do vốn và tài sản hạn chế, các hộ nông dân, hộ cá thể cần phải liên kết, hợp tác tổ chức sản xuất, kinh doanh theo mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã để có hiệu quả bền vững.

Trung Nguyên và những cửa hàng cà phê Việt trên thế giới: Cơ hội của nông dân?

Sau khi khai trường cửa hàng cà phê đầu tiên tại Thượng Hải trong kế hoạch mở 1.000 cửa hàng cà phê tại Trung Quốc thì Trung Nguyên lại tiếp tục mở văn phòng tại Hàn Quốc với mục tiêu đưa cà phê Việt Nam vươn tầm thế giới theo tinh thần của Chủ tịch Trung Nguyên –  Đặng Lê Nguyên Vũ.

Một thực tế là cà phê Việt Nam đứng thứ 2 thế giới trong việc xuất khẩu nhưng chưa có một thương hiệu cà phê nào của Việt Nam có mặt trong Top 10 thương hiệu cà phê trên thế giới, chúng ta vẫn loay hoay và bản thân chủ tịch Trung Nguyên cũng đau đáu với tâm nguyện phải đưa cà phê VN vươn tầm trên bản đồ cà phê quốc tế. Và một thực tế nữa khi người nông dân trồng cà phê hiện nay vẫn không có lời và vẫn đang trong trạng thái trồng chặt bấy lâu nay khi có một cây/con nào đó cho giá trị trước mắt cao hơn cây cà phê (hiện tại như sầu riêng, chanh dây…).

Với giá thành hiện nay thì 1 tấn cà phê nhân cho thu về khoảng 40 trên 40 triệu đồng, 1ha cà phê chăm sóc đạt sẽ được khoảng 4 tấn nhân mỗi năm. Trung bình 1 hộ nông dân ở thủ phủ cà phê Tây Nguyên sở hữu khoảng 1,5 – 2ha, sau mỗi vụ sẽ có thu nhập khoảng trên 300tr/năm. Trong khi tất cả chi tiêu sinh hoạt trong gia đình sẽ trông chờ vào cả vụ mùa cà phê này, đó là trong tình trạng bình thường coi như đủ ăn, nhưng chỉ cần 1 sự cố nào đó trong năm xảy ra ốm đau hoặc cần huy động xây nhà cửa, cưới xin con cái sẽ rơi vào trạng thái chi tiêu âm phải vay mượn đắp đổi.

Mọi chi tiêu sinh hoạt trong gia đình sẽ trông chờ vào cả vụ mùa cà phê duy nhất trong năm

2 vấn đề ở đây là thương hiệu và lợi nhuận. Có thương hiệu bán được giá cao thì mới có lợi nhuận, và lợi nhuận cao hay thấp thì phụ thuộc vào hình thức và phương thức canh tác – cách làm. Như phân tích về chuỗi giá trị – chuỗi cung ứng và thực trạng sản xuất ở trên thì tất cả những điều này chỉ doanh nghiệp sẽ không làm được vì nguồn gốc sản phẩm vẫn phần lớn là từ số đông nông dân canh tác mà ra, những doanh nghiệp như Trung Nguyên sẽ có đầu tư vùng nguyên liệu nhưng sẽ giới hạn trong khả năng tiềm lực của họ, còn lại vẫn phải liên kết thu mua của người dân, nhưng nếu sản phẩm nguyên liêu từ nông dân không đạt thì doanh nghiệp sẽ rất khó hợp tác, và chuỗi liên kết không thành.

Liên kết – tổ chức vùng nguyên liệu đảm bảo khả năng cung ứng là xu hướng tất yếu

Đã qua rồi cái thời trộn hàng hay thị trường dễ tính, bây giờ người tiêu dùng uống ly cà phê hay sử dụng bất cứ sản phẩm nào ngoài các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, các quy định đảm bảo sức khoẻ người dùng là cơ bản và bắt buộc thì người ta còn quan tâm cả đến chuyện thế giới, chuyện xã hội, đời sống dân sinh, các vấn đề bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên… nếu ko đảm bảo về chất lượng mang tính kỹ thuật sẽ không được nhập vào thị trường, bị trả hàng (thực tế đã xảy ra với nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam trong thời gian qua), còn các yếu tố như bảo vệ môi trường hay an sinh xã hội, tiết kiệm tài nguyên…sẽ làm tăng tính cạnh tranh cho thương hiệu sản phẩm.

Chế biến sâu với nguồn nguyên liệu chất lượng sẽ giúp tăng giá trị và lợi nhuận

Nên vấn đề là nông dân phải thay đổi, chúng ta có một vài doanh nghiệp như Trung Nguyên có chiến lược sản xuất kinh doanh bài bản và thành công sẽ là những đầu tàu, họ tạo lực kéo ban đầu còn nông dân theo quán tính đó mà bơi theo, các doanh sẽ là các cá mập và chúng ta sẽ bơi cùng cá mập để kiếm ăn, những chuyến đi săn của cá mập là cơ hội mà người nông dân phải nhìn ra vấn đề và nắm bắt thay đổi.

Thay đổi những gì?

Thứ nhất về kỹ thuật – phương thức canh tác. Việc làm, kỹ thuật canh tác chăm sóc cà phê với nông dân Việt Nam bao năm nay đã được xem như nằm lòng. Trên thực tế nhiều nông dân phải gọi là siêu sao khi kết quả canh tác 1ha ta cho 4 – 5 tấn cà phê nhân là bình thường, với những giống cà mới hiện nay nhiều vườn còn đạt tới 6 tấn/ha. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đã có những mô hình canh tác cà phê chất lượng cao với những Farm cà phê canh tác theo hướng hữu cơ vi sinh cho sản phẩm làm ra bán giá gấp 2,3 lần cà phê thông thường… vì vậy kỹ thuật trình độ canh tác sẽ không phải vấn đề khó, vấn đề còn lại là ta chăm theo hướng tiêu chuẩn, đặc biệt là hạn chế hoá học, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục, và dần chuyển đổi sang hướng hữu cơ vi sinh chất lượng cao, giai đoạn đầu sẽ khó khăn nhưng khi ổn định và nhuần nhuyễn rồi thì nó sẽ nhàn hơn cách ta làm thông thường, quan trọng là chúng ta sẽ nâng dần chất lượng cà phê Việt Nam lên để có giá thành cao hơn, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu trên nền sản phẩm chất lượng đó sẽ dễ dàng và cạnh tranh hơn, tiếp cận được nhiều thị trường cao cấp hơn. Với nông dân, khi chuyển đổi phương thức canh tác phù hợp sẽ giảm được chi phí để tăng lợi nhuận sau mỗi vụ mùa.

Trồng xen canh, chăm sóc theo hướng hữu cơ, vi sinh hướng đi tăng tính bền vững cho cà phê Việt Nam.

Thứ 2 là thay đổi về mô hình canh tác, chúng ta phải liên kết sản xuất theo hướng hàng hoá theo mô hình Tổ hợp tác và Hợp tác xã (HTX), đây là định hướng được Nhà nước ữu đãi rất lớn hiện nay, nếu người dân và doanh nghiệp có sự liên kết hợp tác làm đúng và chuẩn chỉ sẽ có đạt được rất nhiều lợi ích. Về mặt kỹ thuật là thu gom mở rộng diện tích canh tác tập trung hình thành vùng trồng – đủ điều kiện cấp mã vùng trồng và quy mô để áp dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật, cơ giới…. Về hình thức thì bản thân HTX là 1 pháp nhân, HTX hoàn toàn có thể mua bán xuất nhập khẩu trực tiếp – xuất hóa đơn chứng từ không cần thông qua một công ty hay đơn vị trung gian nào. Và cuối cùng là với cái nền từ 2 sự thay đổi này ta sẽ kết hợp làm được nhiều cái khác như đa dạng sản phẩm, tận dụng xen canh, đa canh cung cấp những loại thực phẩm  như rau, củ, quả, gia súc, gia cầm…chất lượng cao trên nền những vườn, farm cà phê canh tác bền vững.

Trong mô hình chuỗi liên kết, mỗi bên tham gia sẽ đóng 1 vai trò nhất định không thể tách rời

Và sẽ không chỉ riêng gì cà phê, ko riêng gì sự kiện của Trung Nguyên, đang và sẽ có rất nhiều doanh nghiệp tâm huyết sẵn sàng nhảy vào cuộc chơi này. Và như đã phân tích, khả năng của doanh nghiệp là có hạn, sẽ phải kết hợp cùng nông dân để chơi cuộc chơi lớn, dài hơi, bền vững…quan trọng là nông dân mình có làm đúng, đủ chuẩn để cùng nhau bơi ra biển lớn.

Xem Video phân tích về Cơ hội khi Trung Nguyên mở rộng thị trường quốc tế

Phú Khuynh

(Tây Nguyên 4.2023)

 

PhuKhuynhadmin

Bình luận

Tạo bài viết