Diệt Sâu Rầy Nâu, Sâu cuốn lá – Không sử dụng thuốc trừ sâu trong canh tác lúa hữu cơ

Những con sâu, rầy con bùng phát từ trứng mới là đối tượng gây dịch hại, nên mình diệt là tìm cách diệt mầm chứ không phải diệt con sâu rầy bố mẹ. Khi xác định đối tượng gây hại chính thì mình sẽ tìm cách tiêu diệt chúng một cách tự nhiên nhất mà không phải sử dụng thuốc BVTV.

Quy trình trồng lúa hữu cơ không dùng phân, thuốc hóa học của Võ Văn Tiếng
CHUYÊN ĐỀ 5: DIỆT SÂU RẦY – KHÔNG SỬ DỤNG THUỐC TRỪ SÂU TRONG CANH TÁC LÚA HỮU CƠ

Cây lúa ở giai đoạn trước 20 ngày tuổi sẽ gặp một số loại sâu hại như bọ trĩ, bù lạch, sâu ăn lá tuy nhiên số lượng không nhiều, ít ảnh hưởng đến sinh trưởng của lúa (Xem phân tích chi tiết trong bài Xử lý Bọ trĩ trong quy trình trồng lúa hữu cơ không dùng phân, thuốc hóa học)

Khi lúa đến giai đoạn 25-30 ngày sẽ gặp phải các loại sâu hại: sâu bướm – sâu cuốn lá, rầy nâu và cả đạo ôn, nói chung sẽ hội tụ đầy đủ các loại dịch hại ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây lúa. Và thông thường, nhiều nông dân sẽ phun khoảng 2 đợt thuốc bvtv. Tuy nhiên, nếu hiểu về cơ chế gây hại và đặc tính của côn trùng sâu hại thì chúng ta hoàn toàn có thể khống chế và kiểm soát dịch hại mà không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tiêu diệt.

Trước tiên nói về đặc tính gây hại của sâu rầy nói chung: Sâu rầy có khả năng thính giác rất mạnh, chúng có thể đánh mùi lúa và di cư đến từ khoảng cách rất xa, nhưng đây không phải là đối tượng gây hại chính và số lượng cũng không quá nhiều. Sâu bướm bố mẹ di cư đến ruộng để đẻ trứng với số lượng rất lớn, khi nở ra bùng phát và chích hút thì đây mới là lực lượng gây ra các đợt dịch gây thiệt hại cho cây trồng. Xác định đối tượng gây hại chính từ đó áp dụng phương án tiêu diệt phù hợp.

Tiếp theo, chúng ta hiểu về cơ chế di cư thông thường của sâu rầy: Giai đoạn lúa từ 25 – 28 ngày và kết hợp rơi vào chu kỳ trăng sáng (khoảng 11,12 âm lịch) theo kinh nghiệm từ rất lâu của nông dân và thực tế trên cánh đồng Tâm Việt, đây là thời điểm các loài sâu rầy di cư đến ruộng lúa, và một tháng sẽ có một đợt di dư đến đẻ trứng kèm sau đó là một đợt sâu rầy con gây hại (với thời gian lúa 3 tháng sẽ có 3 đợt di cư như vậy).
Để nhận biết ra các đợt sâu rầy di cư đến chúng ta có thể quan sát mặt ruộng xuất hiện sâu bướm và rầy bố mẹ dưới gốc lúa, cũng có thể thắp đèn quan sát vào buổi tối.

Và như đã nói ở trên, thay vì phát hiện có sâu rầy người nông dân sẽ phun ngay một đợt thuốc. Nhưng việc di cư sẽ diễn ra trong một khoảng thời gian (tuần trăng sáng), nếu người nông dân phun thì lượng sâu rầy bố mẹ trên ruộng sẽ chết, nhưng ngay sau dó vẫn có những đàn di cư mới vào những đêm sau đó và đẻ trứng – nở ấu trùng gây hại rồi nông dân sẽ phải tiếp tục phun – nên các cữ phun thông thường mà hiện tại nhiều nông dân đang áp dụng thường cách nhau 7 – 10 ngày với một lượng thuốc bvtv lớn, nhiều loại kết hợp dẫn đến dư lượng thuốc bvtv trong gạo của Việt Nam luôn cao chưa kể những tồn dư trong đất và nước.
Trên cánh đồng Tâm Việt của Tiếng, việc diệt trừ sâu rầy cũng như các loại sâu hại khác theo phương thức tự nhiên bắt đầu và kết hợp từ quy trình phòng – diệt, quan trọng là tất cả mọi quy trình đều dựa trên các cơ chế và công cụ tự nhiên, hoàn toàn không sử dụng đến thuốc bảo vệ thực vật.
Bắt đầu từ việc phòng ngừa bằng cách thiết kế đồng ruộng để xây dựng hệ sinh thái động thực vật – hình thành nên các lớp phòng thủ tự nhiên để ngăn ngừa và tiêu diệt sâu hại:
– Lớp phòng thủ đầu tiên là hệ thống hàng rào bờ bao với các loại cây có mùi nhắm đánh lạc hướng di cư của sâu hại.

Bờ bao được trồng các loại cây dược liệu, cây có mùi như Sả, bình bát…để đánh lạc hướng đánh mùi di cư của sâu hại.

– Lớp phòng thủ thứ hai là hàng ngàn mạng nhện từ thấp đến cao giăng mắc mỗi đêm để tiêu diệt một lượng lớn sâu hại di cư đến cánh đồng. (Xem chi tiết trong chuyên đề: “Thiết kế hệ sinh thái”)

Do không đốt đồng, không sử dụng thuốc bvtv, xây dựng bờ bao rậm rạp nhiều tầng tán tự nhiên làm nơi trú ẩn nên lượng nhện trên đồng phát triển mạnh mẽ

– Lớp phòng thủ thứ ba là các loài động vật như cóc, nhái, ếch và cá – đây là lực lượng tiêu diệt 1 phần số lượng sâu hại trên bờ, trong ruộng, bám đẻ trứng trên thân lúa. (Xem chi tiết trong chuyên đề: Hệ sinh thái động, thực vật trên nông trại Tâm Việt về đêm

Một con cóc, nhái, ếch…có thể ăn cả chục con sâu rầy mỗi đêm

Sau khi vượt qua hết các lớp phòng thủ nêu trên và số lượng sâu rầy đã bị tiêu diệt một phần thì số lượng sâu hại còn lại di cư vào ruộng lúa bắt đầu đẻ trứng – nở ấu trùng. Trong thời điểm này – tính từ lúc phát hiện sâu bướm di cư có mặt trên ruộng sẽ tiếp tục có các đàn sâu rầy di cư đến tiếp trong suốt tuần trăng sáng (khoảng từ 11 – 20 âm lịch). Và như đã nói, nếu người dân sử dụng thuốc bvtv trong thời điểm này thì sẽ chỉ diệt được số sâu di cư đến trước đó, sau ngày xịt sẽ tiếp tục những ngày di cư mới và tiếp tục đẻ trứng gây hại, và như vậy thì mọi người diệt con chứ không phải diệt mầm.
Còn với việc hiểu về đối tượng và đặc tính di cư (thời điểm di cư); đặc tính sinh sản (đẻ trứng dưới thân lúa) thì việc xử lý khá đơn giản hoàn toàn bằng nước tự nhiên.
Trong những ngày sâu rầy di cư (tuần trăng sáng), Tiếng cho rút nước trong ruộng để sâu rầy bố mẹ xuống sát mặt đất đẻ trứng (khoảng 3-5cm cách mặt đất), để chúng đẻ hết rồi sau đó đến kỳ trăng tối (từ khoảng 20 âm lịch trờ ra) thì mình sẽ bơm nước vào ruộng lại để nhận dìm chết các ấu trùng, trứng sâu rầy một cách tự nhiên.

Xem video: Võ Văn Tiếng chia sẻ và phân tích cách diệt trừ sâu rầy không sử dụng thuốc BVTV trong canh tác lúa hữu cơ

Và khi mình bơm nước lớn vào ruộng thì sẽ kết hợp thả vịt vào trong đồng, những đàn vịt càn lướt qua sẽ ăn đi những rầy bố mẹ, cùng với đó là các loài cá tự nhiên sinh sôi trên đồng sẽ tiêu diệt tiếp những con sâu rầy bố mẹ và cả ấu trùng, trứng trên thân lúa. Kết hợp tất cả những phương pháp trên thì chúng ta hoàn toàn kiểm soát được dịch hại, đó là điều thực tế diễn ra trên cánh đồng Tâm Việt suốt 3 năm qua.

Xem video: Võ Văn Tiếng chia sẻ và phân tích cách diệt bướm, sâu cuốn lá không sử dụng thuốc BVTV trong canh tác lúa hữu cơ

Bài tiếp theo: Dùng nước phòng trừ và xử lý bệnh đạo ôn trong canh tác lúa hữu cơ
Võ Văn Tiếng (Chuyện Làm Nông ghi)
Nội dung bài viết, video và hình ảnh thuộc bộ tài liệu trong “dự án huấn luyện nông dân canh tác bền vững”, với sự hỗ trợ của Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Tổ chức thực hiện: Tiến sĩ Nguyễn Văn Giáp; Mai Phú Khuynh
Người thực hành và hướng dẫn: Võ Văn Tiếng
Hãy để lại ý kiến của bạn để chúng ta cùng xây dựng về cách làm này

quantriquantri

Bình luận

Tạo bài viết