Hệ sinh thái động, thực vật trên nông trại Tâm Việt về đêm

Với mục tiêu tái tạo, bảo vệ và hỗ trợ các loài thực vật, động vật, vi sinh vật hữu ích giúp cân bằng và bảo vệ cây trồng chính. Hệ sinh thái trên trang trại Tâm Việt được quy hoạch – thiết kế hệ thống môi trường trú ẩn với bờ bao, mương nước, các tầng – tán cây bụi, cây dược liệu…đảm bảo cho các loài động, thực, vi sinh vật cùng tồn tại phát triển và cân bằng nhau. Dựng lên những hàng rào sinh học tự nhiên giúp tiêu diệt các côn trùng gây hại cho lúa.

Quy trình – phương thức trồng lúa không dùng phân, thuốc hóa học của Võ Văn Tiếng
CHUYÊN ĐỀ 1: THIẾT KẾ HỆ SINH THÁI – Bài 2: Hệ sinh thái về đêm

Màn đêm buông xuống, thời điểm các loại sâu rầy di cư đến gây hại cũng là lúc các loài thiên địch như nhện, cóc, ếch, nhái, rắn được bảo vệ trên trang trại…đi kiếm ăn. Đây là thời điểm có thể quan sát thành quả của hệ sinh thái vận hành một cách hiệu quả nhất.
Bản chất của hệ sinh thái tự nhiên đã có sẵn những cơ chế cân bằng mà ở đó có sinh có diệt, các loài sinh vật sẽ sinh sôi và tiêu diệt lẫn nhau, sinh vật này là nguồn thức ăn cho sinh vật khác để đạt đến sự cân bằng cùng nhau tồn tại mà không sinh vật nào sẽ biến mất hoàn toàn (trừ khi có những sự tác động mạnh mẽ từ con người như việc đánh bắt khai thác tận diệt, sử dụng các loại hóa chất độc hại…), sâu rầy, chuột vẫn tồn tại, vẫn chích cắn hại lúa…cóc, rắn, nhện…vẫn tồn tại, chúng vẫn săn bắt các loại sinh vật như sâu, rầy, chuột…làm thức ăn. Chỉ khác là cần một môi trường phù hợp mà ở đó loài nào phát triển? Loài nào bị hạn chế?
Hiểu từ cơ chế này, khi con người với mục đích canh tác và mong muốn thu lợi ở cây lúa sẽ tác động vào một hoặc một vài điều kiện trong tổng thể hệ sinh thái đó để giúp sinh vật có lợi phát triển – tiêu diệt những loài có hại. Cụ thể trên cánh đồng của Tiếng, sâu rầy, chuột sẽ bị khống chế bởi các loài săn đêm như cóc, ếch, nhện, chim, rắn…tất cả bắt đầu bằng cách thiết kế theo hướng khôi phục hệ sinh thái vốn có.

Sau một thời gian dài duy trình quy trình canh tác lúa sử dụng phân bón hóa học và các loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ xóa bỏ đồng thời tất cả các loại động thực vật cả có hại lẫn có lợi. Sử dụng các loại phân bón hóa học một thời gian dài để tăng năng suất nhưng lại làm chai hóa đất, cùng với đó là các loại thuốc trừ sâu hóa học để tiêu diệt sâu, rầy hại lúa nhưng cũng đồng thời tiêu diệt luôn các loại sinh vật có lợi như các loài cá, nhện, giun, trùn…Nông dân phá bỏ các bờ lớn để tận dụng diện tích đồng thời sử dụng thuốc diệt cỏ để loại bỏ cỏ dại nhưng cũng là nơi cư ngụ của các loại sinh vật, bên cạnh đó là việc săn bắt tận diệt các loại động vật như rắn, ếch, cóc, cá…làm môi trường sinh thái bị mất cân bằng…
Trên cánh đồng Tâm Việt của Tiếng, tất cả được giữ nguyên bằng cách tái tạo lại môi trường đủ cho các loài cùng tồn tại, nhưng có sự sắp xếp để những loài có lợi phát triển mạnh mẽ hơn để chúng giúp khống chế các loài gây hại tới cây lúa. Các loại cây cao, thấp, kể cả cỏ dại sẽ được trồng trên những bờ bao làm nơi trú ngụ cho chim, rắn, cóc, nhái…và nhện giăng tơ, nước sẽ được làm và giữ sạch cho cá sinh sôi.

Khi màn đêm buông xuống, toàn bộ hệ sinh thái bắt đầu vận hành mạnh mẽ và con người có thể quan sát kỹ lưỡng cách mà chúng làm việc.

Ở lớp phòng thủ thứ nhất – trên hệ thống bờ bao được trồng các loại cây đa tầng tán từ 3,4m cho tới các loại cỏ dại dưới mặt đất. Khi các đợt di cư của rầy nâu (vượt qua sự đánh lạc hướng bởi mùi của các loại cây dược liệu trên bờ) tiếp cận tới khu ruộng, chúng sẽ gặp phải hàng rào những mùng nhện giăng từ cao xuống thấp (có nhiều loại nhện khác nhau – xem video chi tiết), trung bình mỗi đêm, mỗi mùng nhện có thể giăng bắt 5-10 con rầy bố mẹ, sâu bướm di cư (đây là lứa sâu rầy đến đẻ trứng gây hại cho lúa). Với hàng ngàn chiếc tơ bẫy nhện to nhỏ, chúng sẽ giúp tiêu diệt hàng triệu con sâu bướm, rầy di cư, hạn chế số lượng rầy di cư đến ruộng lúa đẻ trứng gây hại.

Ở tầng thấp dưới mặt đất, mặt nước trong ruộng là các loại cóc, ếch, nhái và cá – mỗi loài có một cách săn bắt khác nhau nhưng chúng sẽ cùng nhau tiêu diệt một lượng lớn sâu rầy mỗi đêm. Khi chúng tiêu thụ sâu rầy sẽ thải lại một lượng lớn chất thải – phân bón giúp tăng lượng dinh dưỡng cần thiết cho lúa phát triển.

Đối với chuột, trên cánh đồng của Tiếng ước chừng có cả trăm ngàn con rắn các loại, nhiều nhất vẫn là các loài rắn săn chuột, mỗi con rắn có thể săn và tiêu diệt 2 – 3 con chuột mỗi đêm để hạn chế lượng chuột phát triển gây hại.

Đối với chuột, trên cánh đồng của Tiếng ước chừng có cả trăm ngàn con rắn các loại, nhiều nhất vẫn là các loài rắn săn chuột, mỗi con rắn có thể săn và tiêu diệt 2 – 3 con chuột mỗi đêm để hạn chế lượng chuột phát triển gây hại.

SOI ĐÈN DỌI RẮN, XEM NHỆN GIĂNG TƠ BẮT RẦY TRÊN CÁNH ĐỒNG TÂM VIỆT VỀ ĐÊM

Võ Văn Tiếng (Chuyện Làm Nông ghi)
Nội dung bài viết, video và hình ảnh thuộc bộ tài liệu trong “dự án huấn luyện nông dân canh tác bền vững”, với sự hỗ trợ của Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Tổ chức thực hiện: Tiến sĩ Nguyễn Văn Giáp; Mai Phú Khuynh
Người thực hành và hướng dẫn: Võ Văn Tiếng
Hãy để lại ý kiến của bạn để chúng ta cùng xây dựng về cách làm này

 

quantriquantri

Bình luận

Tạo bài viết