Hiệu quả kinh tế trong mô hình canh tác lúa hữu cơ không sử dụng phân bón hóa học và thuốc BVTV

Chỉ tính đến thời điểm lúa 15 ngày tuổi, cách làm của Võ Văn Tiếng đã tiết kiệm được 3 lần phun thuốc và 1 lần bón phân tương đương với việc tiết kiệm chi phí mỗi hecta từ 3-5 triệu đồng so với cách canh tác thông thường của nông dân, bên cạnh đó là các nguồn thu khác từ hệ sinh thái.

Quy trình trồng lúa không dùng phân, thuốc hóa học của Võ Văn Tiếng
Chuyên đề 7: VÕ VĂN TIẾNG PHÂN TÍCH HIỆU QUẢ KINH TẾ TRONG MÔ HÌNH TRỒNG LÚA HỮU CƠ KHÔNG SỬ DỤNG PHÂN BÓN HÓA HỌC VÀ THUỐC BVTV

Xét trên tổng thể quy trình sản xuất lúa thông thường, người nông dân sẽ tốn chi phí đầu tư từ các khâu: bơm nước, làm đất, sạ giống, diệt ốc bươu vàng, diệt cỏ dại, các đợt sâu bệnh, phân bón và các dịch vụ trong thu hoạch. Với phương thức canh tác lúa hữu cơ hoàn toàn không sử dụng phân bón hóa học cũng như các loại thuốc bảo vệ thực vật (Xem chi tiết Quy trình – phương thức trồng lúa không dùng phân, thuốc hóa học của Võ Văn Tiếng) thì ngoài những chi phí ở các công việc cố định phải làm thông thường thì hiệu quả kinh tế đầu tiên là tiết kiệm được 1 lượng chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cùng với đó là chi phí nhân công phun thuốc, rải phân. Đây là những chi phí chiếm một phần lớn trong tổng chi phí đầu vào sản xuất của người nông dân.

Việc áp dụng phương thức canh tác không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học giúp tiết kiệm một phần lớn chi phí sản xuất đầu vào
Với thói quen canh tác phụ thuộc nhiều vào phân bón và thuốc bảo vệ thực vật như hiện nay dẫn đến giá thành sản xuất lúa đầu vào của nông dân luôn ở mức cao và có xu hướng tăng khi từng dịch vụ (nhân công, máy móc), vật tư đầu vào (phân bón, thuốc bvtv) đều có xu hướng tăng giá. Quan trọng hơn là chất lượng lúa gạo của chúng ta hiện nay đa số không đảm bảo các tiêu chuẩn về dư lượng chất hóa học cũng như thuốc bvtv theo yêu cầu của các thị trường nhập khẩu gạo dẫn đến lúa gạo Việt Nam phần lớn không được bán với giá cao. Trong khi đó, chi phí sản xuất đầu vào cao làm cho người nông dân sản xuất lúa không có lợi nhuận.
Nếu tính riêng việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phun xịt trong các đợt theo tuổi lúa, thì trung bình một lần phun thuốc cho 1 hecta lúa người nông dân sẽ tốn từ 1 – 1,5 triệu tiền thuốc bảo vệ thực vật (tùy theo loại thuốc trong các đợt phun xịt), thêm vào đó là tiền nhân công phun (giao động khoảng 150-200.000/ha), tổng thể toàn thời gian chăm sóc lúa người nông dân sẽ phun từ 6-9 lượt. Về phân bón, thông thường nông dân sẽ bón khoảng 3 – 4 lần (tùy theo đất và vụ mùa).
Để đạt năng suất lúa từ 7-9 tấn/ha, thì tổng mức đầu tư thông thường của nông dân sẽ rơi vào khoảng 25-30 triệu đồng/ha cho tất cả các khâu từ nhân công, máy móc cho đến vật tư. Còn với phương thức của Tiếng, khi không sử dụng phân bón hóa học và các loại thuốc bảo vệ thực vật thì tổng chi phí đầu tư cho 1 ha lúa rơi vào khoảng 15-17 triệu đồng. Tuy nhiên do không sử dụng phân bón hóa học nên năng suất ban đầu của Tiếng chỉ đạt khoảng 4 tấn/ha, nhưng với chất lượng thành phẩm cao – gạo hữu cơ hoàn toàn tự nhiên, không sử dụng – không tồn dư chất hóa học, thuốc bvtv thì giá bán ra thực tế trên thị trường phân phối của Tiếng đang gấp đôi với giá gạo thông thường với hệ thống tiêu thụ đầu ra luôn luôn ổn định khi nhu cầu của người dân cần một nguồn lương thực sạch, đảm bảo an toàn là rất cao ở hiện tại và tương lai.

Hiện tại thương hiệu gạo Tâm Việt của Tiếng phân phối tập trung ở 2 thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, và luôn trong tình trạng cung không đủ cầu
Như vậy, với giá bán gạo gấp đôi đã bù lại phần năng suất chênh lệch, còn Tiếng sẽ lãi tiết kiệm nguyên phần chi phí vật tư phân bón, thuốc bvtv và nhân công phun rải. Quan trọng hơn, hệ sinh thái, đất, nguồn nước được bảo vệ và sẽ tích lũy, bổ sung dinh dưỡng qua thời gian sẽ giúp năng suất tăng lên. Trên thực tế sau 6 vụ mùa liên tiếp thì năng suất lúa trên cánh đồng Tâm Việt của Tiếng đã gần bằng với năng suất của những nông dân canh tác kề bên theo phương thức cũ. (Xem chi tiết nội dung: “Nuôi đất” – phương pháp cải tạo – phục hồi và thúc đẩy dinh dưỡng – giải bài toán năng suất

Đất được nuôi bằng các nguồn hữu cơ tự nhiên và có thời nghỉ ngơi, phân hủy để tái tạo chất dinh dưỡng cần thiết qua các vụ sẽ tăng năng suất theo thời gian

Ngoài ra, bằng mô hình canh tác tự nhiên với hệ sinh thái động thực vật đa dạng, trên trang trại của Tiếng còn có các nguồn thu từ cá, vịt, sen và cả các dịch vụ du lịch kết hợp…tất cả sẽ hợp thành một môi trường thống nhất, chia sẻ và hội tụ mà ở đó, nếu tính về lợi ích kinh tế sẽ có giá trị hơn rất nhiều so với việc chỉ canh tác đơn thuần một loại cây trồng như lúa nước.

Cảnh quan sinh thái kết hợp các dịch vụ lưu trú du lịch cũng đem lại một nguồn thu trong mô hình
Xem video: Võ Văn Tiếng phân tích hiệu quả kinh tế khi canh tác lúa hữu cơ không sử dụng phân bón hóa học và thuốc BVTV

Bài tiếp theo: Nông dân phân tích hiệu quả kinh tế trong mô hình canh tác lúa hữu cơ không sử dụng phân bón hóa học
Võ Văn Tiếng (Chuyện Làm Nông ghi)

Nội dung bài viết, video và hình ảnh thuộc bộ tài liệu trong “dự án huấn luyện nông dân canh tác bền vững”, với sự hỗ trợ của Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Tổ chức thực hiện: Tiến sĩ Nguyễn Văn Giáp; Mai Phú Khuynh
Người thực hành và hướng dẫn: Võ Văn Tiếng
Hãy để lại ý kiến của bạn để chúng ta cùng xây dựng về cách làm này

quantriquantri

Bình luận

Tạo bài viết