Hiệu quả sử dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất nông nghiệp

(Cổng ĐT HND) – Ứng dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất nông nghiệp hiện nay là một giải pháp hỗ trợ mang tính tất yếu để nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm và phát triển sản xuất bền vững, góp phần cải thiện đời sống người nông dân. 

TƯ Hội NDVN đã hỗ trợ Hội ND 8 tỉnh xây dựng 8 mô hình: Ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong chăn nuôi gà thả vườn tại 3 xã: Hoà Đồng, Hoà Phong và Hoà Mỹ Đông, huyện Tây Hoà, tỉnh Phú Yên; xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong sản xuất cam Cao Phong tại xã Nam Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình; ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong chăn nuôi lợn thịt tại 02 xã: Văn Xá và Hoàng Tây, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam; ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong sản xuất cam Vạn Yên tại xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh; ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong sản xuất Thanh long ruột đỏ tại xã Vĩnh Thuỷ, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị; ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong sản xuất Nho hồng (NH01-152) tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận; ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong tái canh cây café vối tại xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk; ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong cải tạo vườn điều tại tỉnh Bình Phước theo hướng an toàn sinh học.

Viêc ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao trong chăn nuôi, chăm sóc cây trồng, vật nuôi theo phương pháp đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn.

Dự án sẽ chọn mô hình tổ chức sản xuất theo nhóm hộ có sự tham gia hướng dẫn, giám sát trực tiếp của cán bộ kỹ thuật. Cán bộ kỹ thuật sẽ hướng dẫn nông dân xây dựng mô hình chăn nuôi, trồng trọt theo hướng an toàn sinh học và bảo vệ môi trường; xây dựng kế hoạch và hướng dẫn thực hiện đúng quy trình. Hội viên, nông dân tham gia dự án theo hình thức đóng góp đất đai, công lao động, chuồng trại, đối ứng vật tư…

Các mô hình sản xuất sẽ được thực hiện ngay tại vườn, chuồng trại và ao nuôi của nông dân trên cơ sở liên kết giữa các hộ dân với nhau cùng thực hiện dự án.

Các nông dân tham gia mô hình ngoài các tiêu chí tự nguyện, có đủ năng lực về kỹ thuật còn phải có điều kiện về đất đai trong cùng khu vực để có thể tạo thành vùng sản xuất tập trung để thuận lợi điều tiết sản phẩm và giám sát chất lượng; đối với các hộ tham gia xây dựng mô hình chăn nuôi thì chuồng trại phải xây dựng cách biệt, cách xa bệnh viện và khu đông dân cư. Đảm bảo đủ diện tích và điều kiện xử lý chất thải, nước thải theo quy định.

Công nghệ vi sinh tạo ra phản ứng sinh hóa tăng cường, có thể hoạt động nhanh hơn và hiệu suất cao hơn so với các sản phẩm cùng loại. Có hiệu quả thủy phân và oxy hóa nhiều chất hữu cơ phức tạp thành dạng nhỏ hơn, giúp loại bỏ chất thải; giảm mùi và các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi; cải thiện chất lượng nước; tăng cường độ màu mỡ của đất và sự hấp thụ chất dinh dưỡng của cây trồng; Đã được chứng minh là hiệu quả trong nhiều điều kiện môi trường khác nhau, cũng như các điều kiện về nhiệt độ, độ mặn, pH, chlorin, mầm bệnh, và hàm lượng oxy hòa tan. Giúp bổ sung trực tiếp các vi sinh vật có lợi cho hệ tiêu hóa của gia súc, gia cầm, từ đó giúp cải thiện sức khỏe của vật nuôi, mang tới năng suất cao hơn cùng chi phí sản xuất giảm đi đáng kể.

Thời gian qua, Hội ND các cấp cũng liên tục tuyên truyền ứng dụng khoa học công nghệ nhất là công nghệ sinh học để nâng cao năng suất, đặc biệt gần đây là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm mà cả hệ thống chính trị và xã hội quan tâm.

Đây là hướng đi không mới so với thế giới nhưng với sự đầu tư bài bản, có kế hoạch cụ thể, đảm bảo nguyên tắc và các tiêu chí của hệ thống Hội đã góp phần vào sự thành công của các mô hình thử nghiệm, từ đó, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, dịch vụ và ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao vị thế của Hội ND trong hệ thống chính trị.

Đối với trồng trọt, các giải pháp vi sinh có nhiều cơ chế tác động khác nhau để giúp tăng lượng dinh dưỡng có trong đất, giúp cây phát triển tốt hơn nhưng vẫn duy trì được năng suất đất cho vụ mùa tiếp theo.

Cụ thể là giảm thất thoát ammonia, nhanh chóng chuyển đổi ammonia thành các loài nitơ dễ bay hơi hơn (ví dụ nitrites, nitrates, N hữu cơ), chuyển đổi nitơ và phốt pho thành dạng dễ hấp thụ cho cây, cải thiện sự hòa tan phốt pho và giúp cây hấp thu phốt pho nhanh hơn, tăng cường và cải thiện hiệu quả nitơ trong đất (cố định đạm), sản xuất một số enzyme có thể phá vỡ các phân tử hữu cơ phức tạp trong đất, kích thích sự phát triển của các vi khuẩn có lợi trong đất làm đất tơi xốp, tăng khả năng hấp thụ dinh dưỡng cho cây.

Chính vì vậy sẽ cải thiện chất lượng đất, làm tăng độ xốp, mùn, độ phì của đất; tạo hệ vi sinh vật có lợi trong đất, giúp chuyển hóa dinh dưỡng sẵn có trong đất sang dạng dễ hấp thụ cho cây; giúp cố định đạm và phân giải lân; giảm thiểu việc rửa trôi, xói mòn và chai cứng của đất trồng.

Qua thử nghiệm thực tế tại các vùng miền trong cả nước, khi áp dụng chế phẩm bổ sung cho cây trồng có thể chủ động giảm lượng phân bón sử dụng từ 10-15%; tăng sức kháng bệnh cho cây nên sẽ giảm được chi phí thuốc bảo vệ thực vật; tăng cường sức sống, khả năng chống chịu, khả năng chống rét cho cây, tỷ lệ sống cao hơn.

Do vậy cây trồng cho năng suất cao từ 5-10%, chất lượng sản phẩm tốt, màu sắc tươi đẹp. Chi phí đầu vào giảm do lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật giảm, mẫu mã nông sản đẹp, chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đặc biệt, môi trường đất đã được cải tạo, độ phì nhiêu đã tăng lên đáng kể, do lượng phân bón được hấp thụ hết nên đã góp phần cân bằng được hệ sinh thái trong đất, giảm chi phí đầu vào, tăng thu nhập.

Trong chăn nuôi, BiOWiSH MultiBio 3PS có tác động tích cực đến việc chuyển hóa thức ăn của động vật bằng việc bổ sung hệ vi sinh vật có lợi cho hệ tiêu hóa của vật nuôi, hệ vi sinh vật này cạnh tranh trực tiếp và đào thải các vi sinh vật có hại, từ đó tăng khả năng hấp thụ dinh dưỡng thức ăn, nâng cao sức khỏe vật nuôi, tăng sức đề kháng với bệnh (tiêu chảy, bệnh hô hấp, cầu trùng).

Ngoài ra các chủng vi sinh đặc biệt (Bacillus và Pediococcus) của BiOWiSH có khả năng tổng hợp một số loại kháng sinh, enzyme và vitamin có lợi cho cơ thể giúp cho vật nuôi tăng trưởng nhanh, rút ngắn thời gian chăn nuôi, giảm chi phí (thức ăn, thuốc thú y); giảm rủi ro (giảm tỷ lệ chết của vật nuôi); nâng cao chất lượng sản phẩm động vật; loại bỏ tồn dư kháng sinh trong sản phẩm (thịt, trứng, sữa).

Chế phẩm sinh học còn có tác dụng làm giảm mùi hôi, cải thiện môi trường chăn nuôi gia súc, gia cầm bằng cách tăng khả năng phân hủy dinh dưỡng trong chất thải, giảm thiểu quá trình hình thành các khí thải gây mùi như (H2S, NH3); qua việc giảm lượng chất hữu cơ, BiOWiSH làm hạn chế điều kiện phát triển của các vi khuẩn gây mùi, góp phần cải thiện ô nhiễm môi trường.

Qua thử nghiệm cho thấy tổng số ngày nuôi đã giảm trung bình từ 10 – 15 ngày, đàn heo tăng trọng một cách tự nhiên, phát triển đồng đều, chỉ số chuyển đổi thức ăn đã giảm từ 2,47 – 2,7 kg cám/kg thịt xuống còn 2,2 – 2,3kg cám/kg thịt.

Đặc biệt môi trường nuôi đã sạch hơn, gần như không có mùi, điều này đã giúp cho đàn heo khỏe mạnh hơn, nên lượng kháng sinh sử dụng cho toàn bộ chu kỳ nuôi đã giảm tối đa, dư lượng kháng sinh cũng như các loại vi khuẩn có hại trong thịt thành phẩm không còn, từ đó góp phần tăng lãi trung bình tăng từ 400.000đ – 500.000 đồng/con heo và chất lượng thịt được đảm bảo đủ tiêu chuẩn tiêu thụ ở các thị trường.

Bên cạnh việc xây dựng mô hình, TƯ Hội cũng đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức cho các nông hộ và cộng đồng hướng tới một nền nông nghiệp xanh, sạch và đảm bảo môi trường.

Việc ứng dụng các loại chế phẩm vi sinh vật hàm lượng cao đã dần trở thành thói quen của người nông dân, việc sử dụng các loại thuốc kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật đã bước đầu được hạn chế, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm trên mỗi đơn vị diện tích đất nông nghiệp từ đó gia tăng thu nhập cho hội viên, nông dân.

Theo đó, Hội ND cơ sở có trách nhiệm tuyên truyền, hướng dẫn, vận động bà con nông dân sử dụng sản phẩm này, Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân của tỉnh phối hợp công ty hướng dẫn nông dân sử dụng đúng quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt, chặt chẽ.Việc nhân rộng các mô hình sử dụng chế phẩmsẽ góp phần giảm thiểu những sản phẩm không an toàn, từng bước nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm nông sản nước ta.

Việc ứng dụng công nghệ vi sinh vào sản xuất nông nghiệp là hướng đi đúng đắn. Việc ứng dụng đã góp phần tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, giảm thiểu các rủi ro và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như môi trường sống.

Nguồn: Hội Nông Dân

PhuKhuynhadmin

Bình luận

Tạo bài viết