Kỹ thuật chăn nuôi hươu lấy nhung

Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăn nuôi hươu lấy nhung cần chế độ chăm sóc đặc biệt: chế độ dinh dưỡng, chăm sóc hươu đực phối giống, kỹ thuật phối giống, kỹ thuật cắt nhung hươu đực

Hươu đực dùng phối giống (gọi là hươu đực giống) và lấy nhung cần có chế độ chăm sóc đặc biệt, khẩu phần thức ăn không chỉ đáp ứng cho hươu sinh trưởng phát triển bình thường nhằm thu hoạch nhung, mà còn để hoàn bù và tái tạo khả năng phối giống cho hươu đực.

1. Kỹ thuật xây dựng chuồng nuôi
Việc xây dựng chuồng trại phải đạt được các mục đích sau đây: Có độ bền vững, chắc chắn để hươu không chui ra khỏi chuồng trại. Phải phù hợp với đặc tính sinh lý của hươu. Phải tiết kiệm, không cầu kỳ mà vẫn đảm bảo phù hợp với các yêu cầu về khí hậu và vật nuôi.

Xây dựng chuồng trại phải quan tâm từ vị trí, nền, mặt bằng, diện tích, vật liệu xây dựng, hướng chuồng… không nên bỏ qua một chi tiết nào

Vị trí chuồng nuôi hươu

Mặc dầu đã được con người nuôi dưỡng từ lâu nhưng hươu sao vẫn rất ít quen người. Trong đó, hệ thần kinh vẫn còn nguyên vẹn các phản xạ tự nhiên của con vật hoang dại yếu hèn, luôn chạy trốn trước những biến động đột ngột. Vì thế, vị trí chuồng phải đảm bảo các yếu tố sau đây:

– Chuồng nuôi phải cách nhà ở một khoảng hợp lý, tránh ô nhiễm, tiếng ỗn.

– Phải đảm bảo kín về mùa đông, mát về mùa hè. Không nằm ở ngay nút giao lưu qua lại của người và các động vật khác thường gây ra tiếng động, mùi vị.

– Phải cao ráo, không có các loại cây thường xuyên rụng lá, rụng cành gây tiếng động tự nhiên (nếu đã có cây cối thỉ phải chặt ngay).

– Cần phải tạo ra một khoảng cách thích hợp giữa chỗ đi lại của con người, gia súc và chuồng, để không làm cho con vật sợ hãi khi có người hoặc vật nuôi xuất hiện…

Tóm lại, tuỳ vào sự bố trí vườn nhà cụ thể mà mỗi gia đình có thể chọn cho mình một vị trí thích hợp theo kinh nghiệm vừa kín vừa hở như nói ở trên.

Hướng chuồng chuồng nuôi hươu

Việt Nam do khí hậu nhiệt đới gió mùa nên ta chọn hướng chuồng là hướng Nam hoặc Đông Nam để mát về mùa hè, ấm về mùa đông và ánh sáng được điều hòa suốt trong ngày, không gây ra chênh lệch cường độ ánh sáng lớn.

Nền chuồng chuồng nuôi hươu

Phải có độ dốc từ 1 – 20 để thoát nước bẩn. Phải cao hơn vùng đất xung quanh.

– Nền đất nện: Đây là loại nền thông dụng có ưu điểm là chi phí ít. Nhưng trong một sộ trường hợp, hươu có thể đào bới, gây ra sự lỗi lõm và tích nước tiểu, phân… làm ô nhiễm chuồng. Khi chưa có điều kiện làm nền gạch, nền đất nện chặt vẫn là loại nền thích hợp.

– Nền gạch: Đây là loại nền tốt nhất, việc đi lại sinh hoạt của hươu rất dễ dàng, không gây tích nước, ấm về mùa đông, mát về mùa hè. Trong điều kiện thiếu khoáng thì nền gạch cũng có thể bổ sung một phần, con vật liếm gạch để tăng khoáng cho cơ thể.

Cách làm: Dùng gạch đất dung (quá lửa) hay gạch lành tốt xây nằm hay xây nghiêng với vữa xi măng có miết mạch cân thận.

– Nền xi măng: Trước đây có nhiều người nghĩ rằng đây là loại nền tốt nhất. Nhưng trong thực tế, nền xi măng có nhược điểm lớn, lạnh về mùa đông, ẩm ướt về mùa hè, trong thi công nếu làm bóng mặt nền để dễ dọn chuồng thì thường làm cho hươu bị trượt chân, ngã…

Hướng phát triển là làm nền xi măng không nhẵn mặt, trong trường hợp có điều kiện thì làm thành từng tấm bê tông, ghép lại tạo điều kiện chống ẩm tốt hơn.

– Nền gỗ: ở những nơi có điều kiện thì có thế làm nền bằng gỗ với loại gỗ dai không thấm nước bằng cách ghép các tấm gỗ lại với nhau. Nền đất phía dưới cần được nện kỹ, chống chuột làm tổ.

Diện tích chuồng nuôi hươu

– Với hươu đực ít nhất cũng phải được 6m2/con (theo kích thược 3m x 2m hay 2,5m x 2,5m) và có điều kiện thì nên làm rộng hơn. Những con đực đã được chọn làm đực giống để phối cho các con cái của nhiều gia đình thì chuồng phải đủ rộng để chúng giao phối trong chuồng tốt.

– Với hươu cái: khoảng 5 – 6m2 /con là vừa, ít nhất phải được 4m2 /con.

Vật liệu xây dựng chuồng nuôi hươu

– Gỗ: là vật liệu chủ yếu trong, xây dựng chuồng trại cho hươu. Ngoài việc dùng để làm các ô chuông, cột và róng, các kết cấu còn lại như cột, xà (kết cấu chịu lực mái) đều làm bằng gỗ là tốt nhất. Gỗ từ nhóm 4 trở xuống dùng để làm cột và róng chuồng. Kích thước cột khoảng từ 120 – 150 mm: 120 x 120 hoặc 150 x 150 (mm), róng có kích thước tiết diện khoảng từ 100 x 50 (mm) hoặc 100 x 60 (mm). Liên kết giữa róng và cột tốt nhất là đục lỗ hoặc dùng đinh. Sự liên kết giữa cột và róng phải thật chắc chắn.

Cột và róng nên bào trơn, mặt trong chuồng cân được vát cạnh để phòng gây xây xát cho hươu.

Chuồng nên làm cao 2m và chia làm 2 phần: 1m phía dưới: róng sẽ đóng dầy khoảng từ 50 – 60 (mm) để đề phòng hươu chui ra, nhất là hươu mới sinh, 1m phía trên đóng thưa hơn khoảng 100mm. Tất cả các róng nên đóng ngang (kinh nghiệm cho thấy: đóng róng dọc hươu rất dễ cho đầu ra ngoài, nếu không ra được do mông to hơn đầu thì hươu sẽ đập đầu vào chuồng mà chết (kể cả hươu con và mẹ).

Cửa chuồng cũng không nên làm róng dọc. Khi làm cần chú ý: róng dưới cùng chuồng được thay bằng một thanh giằng to hơn róng (gọi là thanh đà). Khoảng cách từ mặt nền đến mép dưới thanh giằng không vượt quá 50 mm nhằm không cho hươu thò chân ra ngoài khi nằm và hươu sơ sinh chui ra khỏi chuồng.

– Phần đỡ mái: Có thể làm bằng gỗ hoặc bằng tre. Tấm lợp có thể dùng ngói các loại, tôn hoặc fibrô xi măng (không nên dùng tấm lớp dễ cháy).

– Lưới thép: Trong điều kiện có kinh tế thì nên làm chuồng bằng lưới thép B40. Đây là loại chuồng thật sự an toàn. Cách làm là: vẫn dùng cột gỗ, chung quanh bọc bằng lưỡi thép. Dùng thép này làm hàng rào cũng rất an toàn và tiện lợi.

2. Chế độ dinh dưỡng

Hươu đực giống cần cho ăn theo đúng khẩu phần thức ăn đã chỉ định, trong đó các thành phần chất đạm, chất khoáng, vitamin A, D, E là hết sức chú ý. Cụ thể thành phần và lượng thức ăn hàng ngày cho hươu đực giống như sau: 15- 20kg thức ăn xanh, 0,5kg thức ăn tinh, 0,5kg thức ăn giàu đạm, 10g premix khoáng, 10g premix vitamin và 10- 15g muối ăn. Trong mùa phối giống, mỗi tuần cho ăn thêm 2- 3 quả trứng gà (không dùng trứng vịt); sau mỗi lần phối giống cho ăn thêm 3- 5 quả trứng gà.

3. Chăm sóc hươu đực phối giống

Tuổi phối giống tốt của hươu đực là 5- 9 tuổi. Ngoại hình con đực giống tốt là có hai tinh hoàn to và đều, gốc sừng to mập, đường kính sừng chỗ lớn nhất đạt 3cm, khoẻ mạnh, không bệnh tật.

Mỗi hươu đực giống chỉ cho phối giống 8- 10 hươu cái trong một năm. Thời gian phối giống (mùa phối giống) trong năm của hươu từ 15 – 4 đến 15 – 9. Sau mỗi lần giao phối, cho hươu đực nghỉ ít nhất 10 ngày để có điều kiện hồi phục sức khoẻ.

Mùa không phối giống, mùa hè cần tắm chải sạch sẽ cho hươu, chuồng trại thoáng mát; mùa đông che chắn gió giữ ấm chuồng cho hươu, làm độn chuồng cho hươu nằm. Diện tích phù hợp cho hươu đực giống 8- 10m2/con.

4. Kỹ thuật phối giống
Do hươu đực giống và hươu cái được nuôi tại các hộ dân xa nhau, hươu đực và cái lạ nhau, khi phối giống đôi khi cũng gặp những trục trặc đáng tiếc. Theo kinh nghiệm các hộ nuôi hươu sinh sản cho biết, hươu cái cứ khoảng 20 ngày động dục một lần, thời gian động dục kéo dài từ 1- 3 ngày, vì vậy xác định thời điểm động dục của hươu cái không khó khăn. Trước động dục khoảng 10 ngày, tiến hành mang hươu cái cần phối giống thả vào chuồng bên cạnh chuồng hươu đực giống. Chăm sóc cả hai con cho đến ngày hươu cái động đực và đạt đỉnh điểm hưng phấn (chính là thời điểm rụng trứng), mở cửa chuồng, hươu đực sẽ sang chuồng hươu cái giao phối. Việc làm này mang lại tỷ lệ thụ thai rất cao. Sau khi giao phối, cần bồi dưỡng chu đáo hươu đực giống.

Sau khi giao phối, nếu con cái đi tiểu ra nước vàng hoặc trắng đục, nằm rặn, con đực bỏ đi nơi khác (đã thoả mãn), chắc chắn hươu cái sẽ thụ thai, song nếu con đực và cái đánh lộn nhau thì tỷ lệ thụ thai sẽ rất thấp, cần nhanh chóng nhốt riêng.

5. Kỹ thuật cắt nhung hươu đực

Nuôi hươu đực không chỉ để phối giống mà còn để lấy nhung. Cần cắt nhung đúng kỹ thuật thì hươu mới mau chóng hồi phục để phối giống. Để cắt nhung đảm bảo, trước hết cần thực hiện vết cắt ở vị trí cách chân đế nhung 1cm, dụng cụ cắt phải thật sắc, thao tác cắt nhanh, dứt khoát, khi gần đứt cắt hơi chậm lại một chút để tránh làm xước nhung, sau đó tiến hành cầm máu nhanh cho chân đế nhung.

Có hai bài thuốc rất tốt để cầm máu chân đế nhung sau khi cắt.

Bài 1: Mực Tàu (mực Trung Quốc), than củi nghiền mịn, nước đun sôi để nguội, pha thành dung dịch sền sệt. Sau khi cắt nhung xong đắp vào ngay vết cắt, sau đó bọc gạc sạch, dùng tay nắm yên lấy vết đắp trong 3- 5 phút là máu cầm. Đắp xong bên này tiến hành cắt bên kia.

Bài 2: Than lá chuối khô sạch bóp mịn, trộn với dầu lạc thành dạng sền sệt đắp vào vết cắt, sau đó nắm lấy đế sừng 3- 5 phút, vết cắt cũng nhanh chóng cầm máu.

Khi vết cắt thực sự cầm máu, dùng gạc băng và buộc vết cắt lại bằng dây vải sạch. Sau khi cắt nhung hươu, các hoạt động xung quanh chuồng hươu phải nhẹ nhàng, tuyệt đối không để người lạ đi vào chuồng hươu làm hươu hoảng sợ húc lung tung, đập vỡ vết thương ảnh hưởng đến vết cắt và gây khó khăn cho việc làm lành vết cắt, ảnh hưởng xấu đến độ lớn của nhung hươu sau này.
Xem thêm: Kỹ thuật nuôi hươu lấy nhung ở Dak Lak

Chúc bà con thành công

quantriquantri

Bình luận

Tạo bài viết