Đây là một câu hỏi lớn nhưng sẽ không quá khó để tìm ra câu trả lời. Sẽ không phải tìm kiếm xa xôi độc lạ trồng cây này nuôi con kia lãi tiền trăm tiền tỉ hàng năm như các tiêu đề trên truyền thông. Làm nông bây giờ không chỉ có sức, vốn hoặc đất đai là làm được
Với nền tảng nông nghiệp manh mún, trình độ canh tác và nhận thức nông dân như hiện nay ở Việt Nam thì sẽ không có bài nào ngoài 2 con đường – 2 thị trường để làm và tương ứng với nó để triển khai 2 quy mô nhỏ lẻ và hàng hóa số lượng.
- Thị trường nội địa – Một đất nước nông nghiệp những khó để tìm thực phẩm đồ sạch
Dân số Việt Nam hiện tại đã đạt mức hơn 100 triệu dân, các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội luôn tập trung lượng cư dân rất lớn, kéo theo đó là nhu cầu sử dụng thực phẩm cao. Tại Thành phố Hồ Chí Minh có 3 chợ đầu mối làm nhiệm vụ tập kết – trung chuyển hàng hóa vào thành phố (Thủ Đức, Hóc Môn và Bình Điền). Riêng chợ đầu mối Bình Điền mỗi ngày đêm giao dịch khoảng 2.500 tấn hàng hoá nông sản thực phẩm – nhiều nhất vẫn là rau củ quả thịt heo, cá…(những loại thực phẩm thông thường) nhưng cũng chỉ mới đáp ứng khoảng 25% nhu cầu. Theo thống kê, lượng thực phẩm cần cung cấp cho hơn 10 triệu dân cư ước đạt 9000 tấn mỗi ngày đêm, trị giá khoảng 135 – 150 tỉ VNĐ. Tuy nhiên, trong các đợt kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, kết quả cho thấy trên dưới 50% các loại rau củ quả, thực phẩm tươi sống không đảm bảo an toàn, đặc biệt là tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.

Tại các đô thị lớn này, các phân phúc khách hàng cũng được xác định theo yêu cầu và khả năng chi trả cho thực phẩm như cao cấp, trung cấp và phổ thông bình dân.
Ở phân khúc cao cấp, không ít hộ gia đình có thu nhập cao sẵn sàng chi trả một mức giá cao cho thực phẩm hàng ngày với yêu cầu khắt khe bằng các tiêu chuẩn như hữu cơ hoặc các chứng nhận an toàn. Tuy nhiên, với sự hạn chế về sản lượng thu hoạch của các mô hình canh tác hữu cơ, thuận tự nhiên cùng với việc tổ chức phân phối, cơ chế giám sát, minh bạch, trách nhiệm giải trình chưa hiệu quả nên khả năng khai thác và phục vụ nhóm khách hàng này vẫn chưa tối ưu.

Trong khi đó, các phân khúc – bình dân chiếm số lượng lớn nhưng thực trạng hàng hóa nông sản thực phẩm tại các đô thị lớn, khu công nghiệp, khu dân cư hiện nay thực sự đáng báo động và đã được phản ánh rất nhiều. Phần lớn nguồn hàng được phân phối từ các chợ đầu mối mà ở đó cơ chế kiểm tra, kiểm soát chưa thực sự hiệu quả. Khi nông sản, thực phẩm từ nơi sản xuất không đảm bảo chất lượng, có khả năng tồn dư các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật…nhưng quy trình kiểm soát hàng nhập chợ và phân phối không thể tức thời phát hiện và khống chế. Khi xảy ra các sự kiện ngộ độc thực phẩm xảy ra thì lượng thực phẩm này đã phân tán và người tiêu dùng đã sử dụng xong. Tuy nhiên việc kiểm soát này sẽ được nâng cấp theo sự phát triển của khoa học công nghệ và quá trình siết chặt chế tài quản lý.
Vấn đề đặt ra là nguồn đầu vào của thực phẩm, người dùng sẽ ngày càng nâng cao ý thức và yêu cầu về chất lượng, cùng với sự kiểm soát của các cơ quan quản lý thì nông dân – người sản xuất và phân phối sẽ bắt buộc phải thay đổi, nâng cao chất lương nông sản thực phẩm cung cấp cho thị trường với những loại nông sản cây con cơ bản nhất trong bữa ăn hàng ngày của người dân.

- Thị trường thứ 2 – xuất khẩu
Với đặc thù của lĩnh vực nông nghiệp có biên lợi nhuận không lớn trong khi tiềm ẩn rủi ro khách quan. Tuy nhiên, sản phẩm từ nông nghiệp lại là những mặt hàng thiết yếu. Các quốc gia sản xuất được thực phẩm sẽ chiếm ưu thế và sản xuất hàng hóa xuất khẩu luôn là “cửa sáng” nếu như đáp ứng được các tiêu chuẩn của thị trường.
Trên thực tế, các tiêu chuẩn này cũng không phải quá khó trong quá trình thực hành sản xuất như việc quy định các tiêu chuẩn về loại thuốc, hóa chất được phép sử dụng, liều lượng và thời gian cách li chứ không phải nghiêm cấm không cho sử dụng.
Về chủng loại hàng hóa theo nhu cầu của các thị trường thì cũng không phải quá đặc thù. Phần lớn nằm trong nhóm các mặt hàng cơ bản như lương thực, nguyên liệu chế biến, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, các loại rau thông thường, rau gia vị…đều là thế mạnh của nông nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, khi tham gia sản xuất hàng hóa xuất khẩu luôn tồn tại một vấn đề lớn hiện nay là hầu hết nhiều ngành hàng nông sản của Việt Nam chưa đáp ứng được các đảm bảo thỏa thuận về lượng hàng, sự đồng nhất về chất lượng và số lượng trong quá trình thực hiện hợp đồng. Nguyên nhân chính được chỉ ra xuất phát từ quy mô canh tác nhỏ lẻ, không tập trung thành các vùng sản xuất nuôi/trồng lớn để có sự đồng nhất về chất lượng cũng như chủ động về sản lượng.
Để đáp ứng một đơn hàng nhập khẩu của nước bạn, phần lớn nông sản đầu vào sẽ được thu gom thông qua hệ thống các đại lý và môi giới trung gian. Điều này dẫn đến giá cả hàng hóa không cạnh tranh so với các nước, đồng thời khó kiểm soát về chất lượng mà hậu quả cuối cùng là bị trả hàng, thu hồi dẫn tới các hành động bảo vệ người dùng hoặc bảo hộ thị trường như cấm xuất khẩu mặt hàng đó vào nước nhập khẩu.
Trong khi đó, để có thể cạnh tranh về giá thì các đầu mối trung gian thường ép ngược lại nông dân – khống chế giá khiến nông dân – “người sản xuất cuối” không có lợi nhuận trong khi các chi phí đầu vào cũng thông qua các trung gian phân phối với giá thành cao.
- Hướng thứ 3: Nông sản đặc thù – đặc sản
Với đặc trưng phân bố các tiểu vùng khí hậu, nông sản Việt Nam có tính vùng miền rất đặc trưng và đa dạng. Đây là một ưu thế rất lớn trong việc phát triển các thương hiệu mặt hàng nông sản đặc hữu phục vụ nhu cầu thưởng thức của nhiều nhóm khách hàng từ nội địa đến quốc tế, đặc biệt là tệp người dùng là khách du lịch đến Việt Nam. Đây là lợi thế rất lớn để thông qua những “sản phẩm đường dẫn” này chúng có thể tiếp thị, mở rộng các thị trường mới.

Tuy nhiên, việc sản xuất những loại nông sản này cần đảm bảo tính đặc thù, ưu tiên chất lượng hơn số lượng bên cạnh các giải pháp truyền thông – marketing nân tầm, nâng giá trị của sản phẩm.
Thực tế hiện nay nhiều loại nông sản đã từng là đặc sản ở ta đã mai một, thoái hóa về giống hoặc bị lạm dụng về thương hiệu khi nhiều địa phương, cá nhân tổ chức sản xuất đại trà làm mất đi các đặc tính đặc hữu của sản phẩm để ngay chính người dân bản địa cũng không tin tưởng vào sản phẩm đó.
Liên kết – Giải pháp tối ưu
Với một thực trạng nông nghiệp phân tán, khả năng sở hữu tư liệu và sản xuất manh mún như hiện nay dẫn đến việc không thể đảm bảo tính hàng hóa, khả năng cung ứng liên tục nguồn hàng cho thị trường thì dù chọn thị trường – đối tượng cây/con nào, việc liên kết – hợp tác tổ chức các vùng sản xuất tập trung là phương án tối ưu nhất để có thể giảm chi phí đầu vào thông qua việc tập trung khu vực, diện tích sản xuất, số lượng đối tượng nuôi/trồng.
Và việc tập trung đầu vào đồng nghĩa với tập trung đầu ra cũng sẽ cho khối lượng lớn và đồng nhất. Khi đó chúng ta sẽ có vị thế khi chào hàng, đám phán cung cấp sản phẩm cho khách hàng.
Bên cạnh đó, việc liên kết – hợp tác – tổ chức thành các đơn vị, pháp nhân như tổ hợp tác, hợp tác xã hiện nay có rất nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ ưu đãi về vốn, về ứng dụng khoa học công nghệ, kết nối giao thương…vấn đề còn lại là ở phía mỗi người dân – lực lượng đông đảo sở hữu phần đất đai – tư liệu sản xuất nhiều nhất.
Quan điểm phân tích về việc tìm đối tượng cây/con để sản xuất hiện nay
Phú Khuynh