Nhãn Hương Chi Đắk Lắk: Ít bệnh, dễ làm trái, năng suất cao, chủ động mùa vụ

Đắk Lắk – ngoài cà phê, hồ tiêu – những cây trồng chủ lực của vùng đất đỏ bazan thì nơi đây đang nổi lên với nhiều loại cây ăn trái, trong đó có nhãn, loại cây đang được phát triển trong những năm gần đây không thua kém gì so với các thương hiệu Long nhãn Hưng Yên, nhãn Xuồng miền tây, hay nhãn bắp cải Bà Rịa…về chất lượng và sản lượng mở ra một lựa chọn cho nông dân khi tính tới việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Tham khảo: 

Hiệu quả từ trồng lúa hữu cơ không dùng phân, thuốc hóa học

Trồng Nha đam – Chi phí đầu tư – Giá/thị trường & Thu nhập

Eakar, một huyện phía đông của tỉnh Dak Lak, nơi đây là một dải những triền đất cát pha sỏi, không có được đất đỏ bazan như phần lớn các nơi nhưng đây lại là một trong những huyện có thể nói là giàu nhất tỉnh với những thế mạnh về khai khoáng, chế biến nông sản, chăn nuôi và trồng cây ăn trái.
Là cửa ngõ của Dak Lak hướng ra biển theo quốc lộ 26 xuống các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa. Eakar có khí hậu nóng, gió và nền đất cát pha rất thích hợp trồng các loại cây ăn trái như Vải, Nhãn, Bưởi…
Với chăn nuôi, nơi đây được biết đến là huyện nuôi gà thịt với số lượng lớn, mỗi hộ có thể nuôi lên đến hàng ngàn con gà mỗi lứa, đây cũng là nguồn phân gà dồi dào cung cấp cho việc trồng cây ăn trái.
Trong khoảng 20 năm trở lại đây, nhiều người dân di cư từ các tỉnh như Hải Dương, Hưng Yên đã mang các giống Vải, Nhãn đến khu vực này. Khí hậu phù hợp, những cây này phát triển tốt, cho năng suất và chất lượng không thua kém gì các vùng trồng ở phía Bắc và các tỉnh miền Tây hay Đông Nam Bộ.

Khí hậu khô, nóng – cây cà phê, hồ tiêu dường như không phù hợp, cùng với giá cả quá thấp trong những năm qua nên nhiều gia đình chuyển hướng sang cây ăn trái và chăn nuôi.
Nói riêng về nhãn, nơi đây đang phát triển vùng trồng tập trung giống nhãn Hương Chi. So với các giống nhãn như Indo hay xuồng miền tây, nhãn Hương Chi trồng tại đây cho tỉ lệ đậu trái cao, dễ chăm sóc.
Từ Lắk, chúng tôi chạy xe máy đến EaKar theo những thông tin trên mạng xã hội của a Hoàng Việt, một người trồng nhãn Hương Chi khá lâu tại km72, quốc lộ 26, xã Ea Sar, huyện EaKar.

Đây là một trong những vườn nhãn của anh Việt, vườn này khoảng hơn 8 năm, tuy nhiên, đây là vườn anh Việt chủ yếu chiết cành làm giống nên tán không to. Ngoài vườn này, gia đình anh còn đầu tư nhiều vườn ở khu vực khác cũng đến giai đoạn cho thu hoạch.
Giống nhãn Hương chi này được lấy từ các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương ở miền Bắc vào trồng tại vùng đất này được hơn 20 năm, đó là những vườn cây đầu dòng có thể nói là lâu nhất khu vực.
So với nhãn Xuồng miền Tây hay Thanh nhãn Hưng Yên thì nhãn Hương Chi dễ chăm, dễ làm trái hơn. Đặc biệt là khả năng kháng bệnh cao hơn hẳn, những bệnh như chồi rồng, thối hoa hầu như không xuất hiện, có thể do vùng khí hậu thổ nhưỡng phù hợp. Cũng chính vì những ưu điểm này mà hiện nay, nhiều hộ dân ở miền Tây đã liên hệ mua giống về chuyển đổi diện tích nhãn xuồng hiện có.

Với khí hậu thuận lợi, nhãn Hương Chi trồng tại khu vực này có thể chủ động trong việc xử lý trái lệch vụ, tránh trùng với thời điểm chính vụ của các vùng trồng khác.
Với mỗi cây từ 3 năm tuổi trở lên có thể cho thu 40-50kg trái/vụ. Cây 7-8 năm có thể đạt 80kg/vụ.

Tỉ lệ đậu hoa cao, nên sau khi xử lý cắt nước đậu hoa sẽ phải đi tỉa làm trái 3 đợt, vừa tỉa bớt số trái đậu trên 1 chùm cành, vừa làm sạch để khi thu hoạch chỉ việc cắt thành chùm cân cho thương lái.

Với chất lượng trái cùi dày, hạt mỏng, kích thước trái lớn nên mỗi chùm trái thường đạt trên 1kg.
Với việc canh làm trái lệch vụ so với những vùng trồng khác trong cả nước nên những năm gần đây sản lượng nhãn Hương Chi từ khu vực này luôn được bán với giá ổn định, thấp nhất từ 25.000đ/kg, cao điểm lên đến 30.000/kg phục vụ tiêu thụ trong khu vực. Trong vụ 2019 đã xuất hiện nhiều thương lái đến tìm mua để xuất khẩu, tuy nhiên sản lượng hàng hiện tại chưa đáp ứng được đơn hàng.
Sau mỗi vụ trái, cây sẽ phát lộc tán 3 lần mỗi năm, với những cây khỏe, tỉ lệ đậu trái ổn định được anh Việt chọn để chiết cành làm cây giống. Mỗi cây có giá 20.000đ tùy theo số lượng đặt mua.

Tính đến thời điểm hiện tại, diện tích nhãn Hương Chi trên địa bàn huyện EaKar khoảng 500ha, và đang được một số địa phương như Ea Hleo, Krong Ana, Ea Sup chuyển đổi tăng diện tích.

Riêng khu vực xã Ea Sar, huyện EaKar, các hộ trồng nhãn đã liên kết thành lập Hợp tác xã để mở rộng diện tích – tạo vùng nguyên liệu hướng đến xuất khẩu theo hướng canh tác sạch với chất lượng hàng đảm bảo và số lượng ổn định.
Cùng với các loại cây chủ lực như cà phê, hồ tiêu đang trong tình trạng vỡ quy hoạch về diện tích và mất giá thì nhãn Hương Chi có thể là một là một trong những loại cây ăn trái để bà con nông dân ở Dak Lak nói riêng và Tây Nguyên nói chung chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tuy nhiên, mỗi loại cây đều có những vấn đề riêng từ kỹ thuật cho đến thị trường tiêu thụ trong tương lai.
Video Thăm vườn nhãn Hương Chi Dak Lak: Ít bệnh, dễ làm trái, năng suất từ 40-50kg/cây

Trong nội dung tiếp theo, chúng tôi sẽ cùng anh Việt phân tích kỹ các lưu ý về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch cũng như các vấn đề về thị trường đầu ra đối với mặt hàng nông sản này.

Phần 2: Kỹ thuật trồng, Làm trái & Thu hoạch nhãn Hương Chi

Phần 3: Nhận biết cành giống chiết đạt chuẩn, thời điểm lấy giống nhãn Hương Chi

Phần 4: Kỹ thuật bón phân, xử lý hoa – đậu trái, chăm sóc và thu hoạch nhãn Hương Chi hiệu quả

Phần 5: Kỹ thuật tỉa cành, làm tán chuẩn bị vụ mới hiệu quả nhãn Hương Chi

Phần 6: Làm giống: Cách chọn và Xử lý cành chiết nhãn Hương chi

Phần 7: Đánh giá ưu điểm của nhãn Hương Chi với Ido, T2, T6…

Phần 8: Nhãn Hương Chi – Cảnh báo cây chiết chết và nguyên nhân nhận biết

 

Nội dung từ dự án Truyền thông Nông nghiệp – Hỗ trợ nông dân canh tác bền vững

Quản lý dự án: Mr.Khuynh

Tham khảo: 

Hiệu quả từ trồng lúa hữu cơ không dùng phân, thuốc hóa học

Trồng Nha đam – Chi phí đầu tư – Giá/thị trường & Thu nhập

quantriquantri

Bình luận

Tạo bài viết