“Chén cơm của người TQ phải được làm bằng hạt gạo trồng trên đất đai của chính TQ”. Đó là thông điệp của chủ tịch TQ – Tập Cận Bình trong vấn đề phát triển nông nghiệp, ông cũng nhấn mạnh rằng “nếu phụ thuộc vào nhập khẩu, chúng ta sẽ bị dắt mũi”. Trong khi đó, Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Việt Nam, đạt 1,27 tỷ USD (chiếm 20,2% thị phần).
Chiến lược của Trung Quốc
Chúng ta đều biết Trung Quốc là một đất nước có diện tích và dân số lớn nhất thế giới (hơn 1,4 tỉ dân). Với diện tích lớn và trải dài và rộng, Trung Quốc có đủ các vùng khí hậu với các điều kiện thổ nhưỡng để thích ứng và sản xuất ra nhiều loại nông sản từ nhiệt đới cho đến ôn đới. Cùng với đó là sự đầu tư về khoa học công nghệ mà chúng ta vẫn xem “pháp sư Trung Hoa” là một cái gì đó có thể giải quyết, can thiệp được nhiều vấn đề.
Trong những năm qua, bên cạnh việc phát triển các lĩnh vực kinh tế, khoa học, quân sự, ngoại giao…thì với ngành nông nghiệp cũng như hoạt động thương mại xuất nhập khẩu nông sản, TQ đã có những bước thay đổi mà chúng ta phải nhìn nhận thực tế để mà từ đó thay đổi cách nghĩ, cách làm, nhất là với lực lượng sản xuất chính – bà con nông dân.
“Chấn hưng nông nghiệp, phục hưng nông thôn”, đang là một mục tiêu lớn mà Trung Quốc đặt ra từ Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc (năm 2017) với hàng loạt chính sách quan trọng đã được ban hành nhằm thực thi chiến lược này, mục tiêu hướng tới xây dựng nông thôn Trung Quốc có “ngành nghề hưng thịnh, sinh thái đáng sống, thôn làng văn minh, quản trị hiệu quả và đời sống sung túc”.

Một trong những chính sách cụ thể được triển khai là khơi thông dòng chảy tín dụng cho nông nghiệp, nông dân với tinh thần “Chén cơm của người TQ phải được làm bằng hạt gạo trồng trên đất đai của chính TQ”. Từ năm 2019, Trung Quốc đã bắt đầu triển khai việc cho những nông dân chăn nuôi quy mô nhỏ (dưới 500 con) có thể thế chấp lợn để vay vốn nhằm phục hồi đàn lợn sau đại dịch tả heo châu phi. Đến nay, các hộ gia đình nông dân Trung Quốc đã vay hàng trăm triệu đô để phát triển chăn nuôi. Cùng với đó là hàng loạt chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn với chiến lược “thịnh vượng chung”, cứ một doanh nghiệp thành công ở bất cứ ngành nghề nào sẽ phụ trách tổ chức phát triển kinh tế xã hội cho một địa phương nông thôn cụ thể. Đặc biệt là các doanh nghiệp về thiết bị, công nghệ, tín dụng, giải pháp nông nghiệp…

Song song với thúc đẩy sản xuất trong nước, Trung Quốc cũng đã bắt đầu triển khai các chính sách về thương mại xuất nhập khẩu để bảo hộ, ưu tiên sản xuất các mặt hàng trong nước đồng thời đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong tiêu dùng của người dân thông qua việc siết/nâng cao các tiêu chuẩn về nhập khẩu. Về mặt kỹ thuật sẽ xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn hàng rào kỹ thuật các mặt hàng cụ thể thông qua kiểm soát về an toàn, các hoạt chất cho phép, về quản lý vùng nguyên liệu thông qua cấp mã vùng trồng. Về hình thức sẽ chuyển dần từ thương mại tiểu ngạch (giao lưu cư dân biên giới) sang chính ngạch, đồng thời mở cửa thị trường cho nhiều nước tham gia cung cấp hàng hóa nhưng theo tiêu chuẩn và hình thức nêu trên, điều này tạo ra sự cạnh tranh giữa các quốc gia sản xuất và việc làm chủ “chấp nhận” của Trung Quốc nếu “hàng anh đạt yêu cầu”.
Nông nghiệp, nông dân Việt Nam cần thay đổi!
Tháng 9 năm 2022, 200 tấn sầu riêng đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, bắt đầu một giai đoạn mới trong giao thương cho mặt hàng này một cách “danh chính ngôn thuận”. Sự kiện diễn ra ngay trong khoảng thời gian ngịch mùa và số sầu riêng xuất đi đa số là sản lượng trái vụ. Ngay sau đó, giá thu mua tại các vườn có lúc lên tới hơn 200.000đ/kg, nhiều nhà vườn thu về tiền tỉ kéo theo đó là hiện tượng đổ xô đi trồng sầu riêng khắp Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và nhiều tỉnh miền Tây khiến cho diện tích sầu riêng tăng lên nhanh chóng. Tình trạng đổ xô trồng chặt khi một cây/con nào đó “bỗng dưng được giá” đã diễn ra ở nhiều loại cây con trước đây như mít, cam sành, heo, gà…trong khi thiếu tính tổ chức, tính hàng hóa và khả năng tuân thủ các khuyến cáo về vùng trồng, quy chuẩn hàng hóa mà cơ quan nhà nước thông tin.
Một thực tế là cho đến thời điểm hiện tại, diện tích sầu riêng được cấp phép đi chính ngạch có số mã vùng trồng chỉ đạt khoảng 10% tổng diện tích, số cơ sở đóng gói được cấp phép cũng còn rất khiêm tốn. Phần diện tích còn lại đa số là nông hộ nhỏ lẻ trồng xen và tự phát, người dân đổ xô trồng ngay cả những vùng được khuyến cáo là không phù hợp phát triển sầu riêng như thiếu nước, nhiễm mặn, nhiễm phèn…

Trong khi đó, ngay khi mở cửa cho sầu riêng Việt Nam thì tháng 2/2023, Trung Quốc cũng ký Nghị định thư với Philippines cho mặt hàng này, trước đó là Thái Lan, Myanmar 2 quốc gia dẫn đầu thị phần sầu riêng trên thị trường tỉ dân này. Tiêu chuẩn chính ngạch đã nằm trong lộ trình của Chính phủ Trung Quốc và cũng đã thống nhất với Việt Nam. Theo đó năm 2025 bắt đầu siết tiêu ngạch, năm 2026 các hàng xuất khẩu chính nghạch là chỉ đi qua các cửa khẩu chính ngạch, năm 2027 dừng toàn bộ các cửa khẩu tiểu ngạch và lối mở biên giới (trao đổi cư dân biên giới).
Như đã nói, đây là thỏa thuận song phương đã được thống nhất. Và Chính phủ, các Bộ ngành ở ta cũng đã tiến hành đàm phán trước nhiều năm nay cho từng nghành nghề cây con để được đi chính ngạch và có thời gian chuẩn bị (mới nhất vừa rồi là khoai lang, yến sào, sầu riêng)

Với việc nâng cao tiêu chuẩn chính ngạch với các hàng rào kỹ thuật quy chuẩn hàng hóa, vùng trồng, cơ sở chế biến, đóng gói…để kiểm soát hàng hóa nhập khẩu trong khi thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước có thể thấy rằng, Trung Quốc đúng là một thị trường lớn, rất tiềm năng nhưng không phải là cứ trông chờ vào đó vì bản thân họ cũng có những đối sách để vì lợi ích quốc gia họ, vì người sản xuất của họ, nội tại trong họ, còn nhập từ bên ngoài thì đồng ý “tôi vẫn sẽ nhập, tôi cũng vẫn cần hàng của anh nhưng tôi sẽ đưa các điều kiện để siết chất lượng và tôi sẽ mở chợ cho nhiều anh vào, và anh nào đủ điều kiện thì tôi cho vào, tôi mua”.

Vì vậy, nông dân mình phải nhìn nhận thực tế đó mà điều chỉnh tổ chức sản xuất. Ta không thể cứ sản xuất nuôi trồng theo kiểu phong trào, vô tổ chức, không tiêu chuẩn quy chuẩn, phun xịt, bón tưới vô tội vạ. Và đây cũng là xu hướng chung, các thị trường khác thì họ yêu cầu và “khó” từ lâu, nhưng do ta vẫn lây lất sống được, không bán được nơi khó thì không chú trọng rồi vẫn cứ làm bán nơi dễ.
Với lợi thế địa lý gần thị trường Trung Quốc, trước giờ thì nhiều mặt hàng nông dân vẫn làm xô bán xô họ vẫn mua, nhưng giờ họ cũng siết lại ngang ngửa với các thị trường các nước phát triển khác mà chúng ta không thay đổi thì khả năng cao sẽ rất khó bán được cho ai. Và khi thay đổi trong sản xuất sẽ đồng thời mở ra nhiều thị trường khác vì khi đó hàng hóa nông sản mình sẽ đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy định của các nước khác như Hàn, Nhật, Mỹ hay Châu Âu… và đó cũng là cái chủ trương chung về việc tìm kiếm mở rộng thị trường mới của ở tầm quốc gia hay các DN khi mà nhu cầu thị trường vẫn ở đó, quan trọng là sản phẩm hàng hóa của ta có đáp ứng được không, và người để làm ra hàng hóa đó không ai khác ngoài chính bà con nông dân mình.

Tựu chung lại thì bà con, anh em nông dân mình phải nâng cấp lên từ tư duy cho tới tổ chức hành động vì sẽ chẳng ai làm thay hay cho mình cái gì, chính sách hỗ trợ cũng chỉ là 1 yếu tố, doanh nghiệp hay các thành phần tổ chức có tham gia cũng chỉ là 1 bên trong toàn bộ chuỗi liên kết để có thể hoàn thiện 1 đơn hàng.
Video quan điểm phân tích về chính sách nông nghiệp của Trung Quốc
Phú Khuynh
Tp.HCM 2.2023