Quy trình trồng lúa hữu cơ không dùng phân, thuốc hóa học của Võ Văn Tiếng

Trồng lúa không dùng phân thuốc hóa học để mang nguồn thực phẩm sạch cho mọi người. Đây là cách làm nghe nói thì cũ nhưng cần một sự am hiểu rất sâu, rộng về tự nhiên, về hệ sinh thái, tổng hợp nhiều biện pháp, hiểu được đối tượng dịch hại để có cách phòng ngừa, xử lý mà hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng như các loại phân bón hóa học.

Tham khảo: Canh tác tiêu hữu cơ, cân bằng hệ sinh thái: Lời giải cho bài toán nông sản Việt

Sản phẩm gạo sạch Tâm Việt là kết quả từ mô hình canh tác thuần nông hoàn toàn không sử dụng hóa chất của nông dân trẻ Võ Văn Tiếng đã có mặt trong hệ thống nhiều siêu thị, cửa hàng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội với giá bán luôn cao ít nhất gấp đôi giá gạo thông thường, và luôn trong tình trạng cung không đủ cầu, và là nhu cầu thực tế trong xu hướng tiêu dùng nội địa cũng như xuất khẩu.

Đây là kết quả của quá trình nghiên cứu, ứng dụng các phương thức canh tác truyền thống dưới cách phân tích và triển khai khoa học trên thực tế. Giảm chi phí vật tư, nhân công, bảo vệ môi trường, đảm bảo thu nhập cho người sản xuất. Cũng là cách mà nông dân các nước như Thái Lan, Campuchia, Nhật Bản…đang triển khai để xây dựng thương hiệu gạo chất lượng cao.

Bà con có thể tìm hiểu thêm thông tin giới thiệu về mô hình này qua phóng sự của VTV thực hiện.

Với mục tiêu phổ biến những quy trình, cách làm – phương thức sản xuất nông nghiệp hiệu quả, bền vững, bảo vệ môi trường – Diễn đàn Chuyện Làm Nông xin tổng hợp và chia sẻ những kiến thức – cách làm của bạn Võ Văn Tiếng (Trang trại gạo hữu cơ Tâm Việt) cho bà con quy trình – phương thức sản xuất lúa hữu cơ hoàn toàn tự nhiên, không sử dụng phân bón hóa học cũng như các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), những phân tích về đặc tính, cơ chế của từng vấn đề trên thực tế để thực hành sản xuất như một tài liệu tham khảo cho những ai quan tâm.

Đây là vấn đề rất rộng và sâu, nên chúng tôi sẽ tổ chức thông tin theo cách chia nhỏ từng vấn đề cụ thể và đăng tải theo trình tự thực tế phát triển của cây lúa cho bà con theo dõi, tham khảo và thảo luận. Bà con có thể để lại thông tin thảo luận, tranh luận hay bổ sung những thông tin hữu ích ngay trên trang hoặc các kênh youtobe, facebook của Diễn đàn Chuyện Làm Nông.

– Chuyên đề 1: Thiết kế hệ sinh thái
1 – Hệ thống hàng rào sinh học – các lớp phòng thủ sâu hại dựa trên sự cân bằng của tự nhiên

Thực hành sản xuất lúa hữu cơ tự nhiên là việc áp dụng phương thức canh tác dựa hoàn toàn vào các yếu tố tự nhiên từ khi gieo hạt cho tới khi thu hoạch, cây lúa sinh trưởng dựa hoàn toàn vào môi trường tự nhiên sẵn có mà không hề có sự hỗ trợ, bổ sung các thành phần phi tự nhiên. Ở đó, cây cỏ, động vật, vi sinh vật được bảo vệ và cân bằng thông qua việc bố trí, sắp xếp hệ thống môi trường lưu trú có chủ ý, tương trợ lẫn nhau – gọi chung là hệ sinh thái – điều đặc biệt quan trọng quyết định đến năng suất, việc phòng và diệt trừ sâu bệnh, cỏ dại…và mang lại một môi trường hoàn toàn tự nhiên.
Trong phạm vi bài viết đâu tiên, chúng tôi sẽ cung cấp góc nhìn tổng quan một hệ sinh thái cơ bản với những thành phần trong hệ thống toàn bộ khu ruộng đóng vai trò phòng trừ sâu hại và đảm bảo năng suất gieo trồng.

2 – Hệ sinh thái động, thực vật trên nông trại Tâm Việt về đêm

Màn đêm buông xuống, thời điểm các loại sâu rầy di cư đến gây hại cũng là lúc các loài thiên địch như nhện, cóc, ếch, nhái, rắn được bảo vệ trên trang trại…đi kiếm ăn. Đây là thời điểm có thể quan sát thành quả thiết kế của hệ sinh thái vận hành một cách hiệu quả nhất.

3 – Cách bố trí và vai trò của hệ thống thủy lợi trên trang trại Tâm Việt

Như ông bà mình vẫn dạy “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” nên việc thiết kế hệ thống kênh mương thủy lợi cấp/tiêu nước cho đồng lúa đóng vai trò rất quan trọng. Dùng nước để cách li cánh đồng của mình, cân bằng các thành phần trong toàn bộ hệ sinh thái cho cánh đồng, chủ động kiểm soát sâu bệnh hại và nâng năng suất lúa bằng các phương pháp dựa trên yếu tố nước này.
Để làm được điều đó, việc tổ chức – bố trí hệ thống mương nước phải đảm bảo sự chủ động trong việc điều phối nước trên đồng ruộng, đồng thời tăng khả năng tiết kiệm – giảm thiểu lượng nước sử dụng trong mỗi mùa vụ.

Chuyên đề 2: “Nuôi đất” – phương pháp cải tạo – phục hồi và thúc đẩy dinh dưỡng – giải bài toán năng suất để làm

Năng suất – một trong những điều làm nhiều người e ngại khi thực hành sản xuất theo hướng hữu cơ dựa hoàn toàn vào tự nhiên, không sử dụng bất kỳ một loại phân bón hóa học cũng như các loại thuốc bảo vệ thực vật. Khi năng suất cây trồng phụ thuộc vào lượng dinh dưỡng trong môi trường của chúng thì phương án để giải bài toán năng suất là “nuôi đất” – tăng dinh dưỡng cho đất bằng cách phục hồi hệ sinh thái vi sinh vật; trả lại cho đất những thành phần mang tính nguyên liệu tự nhiên; cho thời gian đất nghỉ để tự đất thể cân bằng, duy trì và tái tạo lượng dinh dưỡng cần thiết bên cạnh các biện pháp kiểm soát sâu bệnh hại (không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật) giúp tăng năng suất qua mỗi vụ mùa.

Chuyên đề 3: Diệt cỏ cho lúa hữu cơ – không sử dụng thuốc của Võ Văn Tiếng

Từ những ngày đầu tiên khi hạt giống lúa được rải xuống đất – Cỏ dại, luôn là thứ mà người nông dân phải quan tâm khi trồng lúa cũng như nhiều loại hoa màu. Không dùng thuốc nhưng Tiếng vẫn xử lý được 90 – 95% lượng cỏ dại trên đồng, còn với những nông dân khác sử dụng thuốc thì yêu cầu và hiệu quả diệt cỏ cũng tương đương. Nhưng họ sẽ tốn chi phí mua thuốc, công xịt chưa kể các vấn về môi trường và chất lượng nông sản. Cách làm của Tiếng cũng dựa trên việc hiểu về cơ chế sinh trưởng của cây cỏ và cơ chế diệt trừ của các loại thuốc.

Chuyên đề 4: Xử lý Bọ trĩ trong quy trình trồng lúa hữu cơ không dùng phân, thuốc hóa học

Sau công đoạn xử lý cỏ dại, khi lúa đến giai đoạn 7-10 ngày tuổi, thông thường sẽ gặp phải bù lạch (hay còn gọi là bọ trĩ) cắn mép lá làm lá lúa quắn lại đồng thời ruộng lúa sẽ có màu vàng. Người dân rất lo sợ loại sâu hại này cắn phá làm chết lúa, còn lúa vàng thì nghĩ rằng lúa bị thiếu phân để rồi phun một đợt thuốc diệt bọ trĩ và bón đợt phân đầu tiên. Trong quy trình canh tác của Tiếng thì không phải diệt hay xử lý, vì đơn giản mình hiểu nó và sẽ không làm gì.

Chuyên đề 5: Phòng và xử lý sâu, rầy – không sử dụng thuốc trừ sâu

Khi lúa đến giai đoạn 25-30 ngày sẽ gặp phải các loại sâu hại: sâu bướm – sâu cuốn lá, rầy nâu và cả đạo ôn, nói chung sẽ hội tụ đầy đủ các loại dịch hại ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây lúa. Và thông thường, nhiều nông dân sẽ phun khoảng 2 đợt thuốc bvtv. Tuy nhiên, nếu hiểu về cơ chế gây hại và đặc tính của côn trùng sâu hại thì chúng ta hoàn toàn có thể khống chế và kiểm soát dịch hại mà không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tiêu diệt.

Chuyên đề 6: Dùng nước phòng trừ và xử lý bệnh đạo ôn trong canh tác lúa hữu cơ
Trên lúa có 2 loại bệnh đạo ôn gây thiệt hại lớn là đạo ôn lá và đạo ôn cổ bông, và cơ chế gây bệnh đều giống nhau. Trong phạm vi chuyên đề này chúng ta sẽ nói riêng về bệnh đạo ôn – phương pháp phòng và xử lý đạo ôn khi canh tác lúa hữu cơ mà không phải sử dụng thuốc bvtv.

Chuyên đề 7: Phân tích hiệu quả kinh tế trong mô hình canh tác lúa hữu cơ không sử dụng phân bón hóa học và thuốc BVTV
Chỉ tính đến thời điểm lúa 15 ngày tuổi, cách làm của Võ Văn Tiếng đã tiết kiệm được 3 lần phun thuốc và 1 lần bón phân tương đương với việc tiết kiệm chi phí mỗi hecta từ 3-5 triệu đồng so với cách canh tác thông thường của nông dân, bên cạnh đó là các nguồn thu khác từ hệ sinh thái.

Chuyên đề 8: Nông dân phân tích hiệu quả kinh tế trong mô hình canh tác lúa hữu cơ không sử dụng phân bón hóa học
“Để làm được lúa gạo hữu cơ 100% tự nhiên là điều tuyệt vời, nhưng điều kiện đi kèm đó phải là hoàn hảo. Trong điều kiện thực tế của mình, người nông dân hoàn toàn có thể áp dụng một phần những phương pháp trong quy trình để vẫn làm ra sản phẩm đạt chất lượng”.

Chuyến làm việc thực địa của Lãnh sự quán Hoa Kỳ trên Trang trại Tâm Việt.
Với mục đích hỗ trợ triển khai các dự án giúp nâng cao đời sống văn hóa của nông dân, phổ biến phương thức canh tác bền vững, bảo vệ môi trường tại Việt Nam, ngày 17/12/2018 ông Matthew Alexander Ference – Cán bộ công vụ
Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại thành phố Hồ Chí Minh và Tiến sĩ Nguyễn Văn Giáp – Giảng viên trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cùng đoàn công tác đã có chuyến thăm thực địa tại Trang trại Tâm Việt của nông dân trẻ Võ Văn Tiếng (xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.

Chuyện Làm Nông
Nội dung bài viết, video và hình ảnh thuộc bộ tài liệu trong “dự án hỗ trợ nông dân canh tác bền vững”, với sự hỗ trợ của Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Tổ chức thực hiện: Tiến sĩ Nguyễn Văn Giáp; Mai Phú Khuynh
Người thực hành và hướng dẫn: Võ Văn Tiếng
Hãy để lại ý kiến của bạn để chúng ta cùng xây dựng về cách làm này

Tham khảo: Canh tác tiêu hữu cơ, cân bằng hệ sinh thái: Lời giải cho bài toán nông sản Việt

quantriquantri

Bình luận

Tạo bài viết