Thực hành sản xuất lúa hữu cơ tự nhiên là việc áp dụng phương thức canh tác dựa hoàn toàn vào các yếu tố tự nhiên từ khi gieo hạt cho tới khi thu hoạch, cây lúa sinh trưởng dựa hoàn toàn vào môi trường tự nhiên sẵn có mà không hề có sự hỗ trợ, bổ sung các thành phần phi tự nhiên. Ở đó, cây cỏ, động vật, vi sinh vật được bảo vệ và cân bằng thông qua việc bố trí, sắp xếp hệ thống môi trường lưu trú có chủ ý, tương trợ lẫn nhau – gọi chung là hệ sinh thái – điều đặc biệt quan trọng quyết định đến năng suất, việc phòng và diệt trừ sâu bệnh, cỏ dại…và mang lại một môi trường hoàn toàn tự nhiên.
CHUYÊN ĐỀ 1: THIẾT KẾ HỆ SINH THÁI
Trong phạm vi bài viết đâu tiên, chúng tôi sẽ cung cấp góc nhìn tổng quan một hệ sinh thái cơ bản với những thành phần trong hệ thống toàn bộ khu ruộng đóng vai trò phòng trừ sâu hại và đảm bảo năng suất gieo trồng. Ở những bài chi tiết, sẽ phân tích sâu hơn cơ chế của từng thành phần đó – lý giải việc hiệu quả và các yếu tố liên kết không thể thiếu giữa các thành phần với nhau.
1 – Thiết kế hệ thống hàng rào sinh học – các lớp phòng thủ sâu hại dựa trên sự cân bằng của tự nhiên
Với diện tích khu ruộng hơn 40ha, Tiếng dành ít nhất 10% trong tổng thế diện tích để tổ chức hệ thống bờ bao, ao nước lắng lọc, mương bao và các mương xương cá cấp/thoát nước nội đồng đảm bảo một khu vực gieo trồng khép kín với các lớp hàng rào sinh học tự nhiên giúp kiểm soát dịch hại.
Hàng rào sinh học đầu tiên – lớp phòng thủ thứ nhất: Trên các bờ bao, Tiếng để cỏ dại phát triển tự nhiên bên cạnh việc trồng các loại cây dược liệu có mùi như riềng, sả, bình bát, mãng cầu…cùng với các loại cây ăn trái có tán cao để làm môi trường cho các loài sinh vật cư ngụ.
Các loại cây dược liệu như Sả, riềng, bạc hà…sẽ làm lạc hướng di cư của các loại sâu, rầy di cư dựa trên việc đánh mùi lúa. (Tham khảo Những loại cây có tác dụng xua đuổi côn trùng hiệu quả trong canh tác hữu cơ)
Hàng rào tự nhiên tiếp theo – lớp phòng thủ thứ hai: Từ việc dành diện tích bờ bao lớn và trồng cũng như cho các loài cây phát triển tự nhiên – không xịt bất cứ loại thuốc bảo vệ thực vật nào cũng như bón các loại phân hóa học – môi trường đảm bảo đủ “an toàn” cho các loại sinh vật như nhện, cóc, ếch, nhái, các loài chim cư ngụ, chúng sẽ là hàng rào tiêu diệt thêm một phần sâu rầy gây hại di cư đến ruộng lúa.
Trong nội dung Hệ sinh thái về đêm – chúng ta sẽ thấy rõ cách làm việc và hiệu quả của lớp phòng thủ này.
Lớp phòng thủ thứ ba: Nếu như hệ thống các tán cây trên bờ bao làm chỗ cư ngụ cho các loài sinh vật cư ngụ và săn bắt các côn trùng di cư trên không thì hệ thống mương nước ngoài việc dẫn nước tưới tiêu cho ruộng sẽ ngăn cản những loài gặm nhấm gây hại di cư dưới đất vào cắn phá. Chúng cũng bị tiêu diệt bởi các loài rắn sinh sống ở các bờ bao xung quanh.
Trên nông trại của Tiếng nhiều loài rắn được bảo vệ và sinh sôi, đặc biệt là các loại rắn săn chuột. (Xem Hệ sinh thái về đêm – ra bờ là đụng rắn đi săn chuột)
2. Thiết kế hệ thống thủy lợi: “Nhất nước nhì phân” việc tổ chức hệ thống thủy lợi đóng vai trò rất lớn, Tiếng có riêng nội dung phân tích chi tiết cho phần này. (Cách bố trí và vai trò của hệ thống thủy lợi trên trang trại Tâm Việt) Trong phạm vi giới thiệu tổng quan về việc thiết kế hệ sinh thái thể, chúng tôi xin chia sẻ một số thông tin ở góc độ tổng thể:
Như hình ảnh đầu tiên của bài viết, toàn bộ khu ruộng được bố trí hệ thống mương nước bao quanh và các mương cấp/thoát nước nội đồng – đảm bảo việc chủ động trong tưới, tiêu cho lúa – dưới những mương nước đó – các loài cá tự nhiên được sinh sôi vì không bị tác động bởi hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật – cá ăn sâu, rầy – thải lại chất dinh dưỡng cho lúa.
Việc chủ động trong cấp/thoát nước cho ruộng lúa sẽ giúp kiểm soát các loại sâu, rầy, đạo ôn dựa trên cơ chế điều chỉnh nhiệt độ, hoặc dùng nước để nhận chìm ấu trùng, trứng sâu hại căn cứ vào chu kỳ sinh trưởng của chúng. (Xem “dùng nước diệt sâu rầy” và “Phòng trừ bệnh cho lúa không dùng thuốc hóa học”).
Cũng từ nước, hệ thống kênh mương chủ động cho phép điều tiết lượng nước trên mặt ruộng để thả vịt ăn các loài gây hại như ốc bươu vàng và 1 phần sâu rầy sau đó để lại chất thải bổ sung dinh dưỡng cho đất lúa.
Các loài cá, tôm, các sinh vật trong nước phát triển khi nguồn nước hoàn toàn không tồn dư bất cứ loại hóa chất nào từ phân bón hóa học hay các loại thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình canh tác. Nhờ đó các loại chim trời trở về kiếm ăn trên cánh đồng – chúng sẽ diệt thêm một phần các loại sâu rầy hại lúa.
Lọc nước: Canh tác hữu cơ theo các tiêu chuẩn quốc tế của USDA, EU bên cạnh việc đảm bảo không sử dụng hóa chất, các loại phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học thì các tiêu chuẩn về nguồn nước, đất đều phải đảm bảo 100% hữu cơ. Do đặc thù đồng ruộng Việt Nam đã trải qua thời gian dài canh tác theo hướng sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật nên một lượng lớn hóa chất còn tồn dư trong đất và nước. Trên cánh đồng Tâm Việt, tại các mương nước, rau muống được thả lan tự nhiên có nhiệm vụ lọc nước, theo các nhà khoa học hệ thống rễ của rau muống sẽ hấp thu nhiều loại hóa chất trong nước.
Nội dung bài viết, video và hình ảnh thuộc bộ tài liệu trong “Dự án hỗ trợ nông dân canh tác bền vững”, với sự hỗ trợ của Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Tổ chức thực hiện: Tiến sĩ Nguyễn Văn Giáp; Mai Phú Khuynh
Người thực hành và hướng dẫn: Võ Văn Tiếng
Hãy để lại ý kiến của bạn để chúng ta cùng xây dựng về cách làm này