Thực trạng ngành hồ tiêu hiện nay: Nông dân thay đổi hay là chết

Sau khi hồ tiêu chạm mốc đỉnh điểm vào năm 2013-2014 thì thị trường hồ tiêu đã lên tục lao dốc cho đến nay với chạm mức chỉ 40.000/kg. Người dân đa số không còn mặn mà với cây hồ tiêu, một phần do dịch bệnh gây chết hàng loạt, một phần thì bỏ không chăm sóc vì không đủ chi phí và không có lợi nhuận.
Nguyên nhân để dẫn tới thực trạng như ngày hôm nay bắt nguồn rất nhiều lí do;
– Nông dân ồ ạt mở rộng diện tích phá vỡ quy hoạch, làm nguồn cung vượt quá cầu.
– Vì chạy theo năng suất và lợi nhuận trước mắt mà nông dân canh tác thiếu khoa học và bền vững, dịch bệnh không kiểm soát được, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (bvtv) và hoá chất vô tội vạ dẫn đến việc sản phẩm hồ tiêu Việt Nam trên thị trường thế giới có giá bán thấp, thậm chí bị trả hàng vì tồn dư quá nhiều chất cấm.
Từ việc canh tác thiếu tính bền vững – lạm dụng thuốc bvtv và hoá chất mà không tìm hiểu kỹ đặc tính và sinh lý của cây hồ tiêu cũng như đất canh tác dẫn đến sự bùng phát của loại dịch bệnh phổ biến trên cây tiêu như chết nhanh chết chậm, tuyến trùng rệp sáp…đã xoá sổ hàng nghìn héc ta hồ tiêu, số diện tích còn lại thì cũng không chăm sóc nên năng suất và chất lượng giảm đáng kể.
Video: Xem phân tích về các bệnh hại hồ tiêu: Nguyên nhân và hướng xử lý trong canh tác hữu cơ

Cho đến thời điểm này, đa số nông dân đang rơi vào tình trạng mất phương hướng, vì bỏ ra số vốn và chi phí đầu tư quá lớn nhưng chưa thu lại được lợi nhuận, tiêu biểu các vùng hồ tiêu lớn của Việt Nam như Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông… nhiều diện tích hồ tiêu bị xoá sổ, người dân không có khả năng trả nợ ngân hàng, bỏ nhà bỏ cửa đi nơi khác.
Để tìm lời giải cho bài toán nan giải đó thì thay đổi cách canh tác hiện nay để tạo ra sản phẩm chất lượng cho hồ tiêu Việt Nam trên thị trường thế giới là một hướng đi tốt, sản xuất ra các sản phẩm nông sản sạch, an toàn hay cao cấp hơn đạt các tiêu chuẩn hữu cơ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường thế giới.
Với hướng canh tác hữu cơ, giá hồ tiêu hữu cơ luôn ở mức cao và cung không đủ cầu, bên cạnh đó canh tác hữu cơ cũng mang lại nhiều thuận lợi về môi trường, an toàn sức khoẻ cho chính người nông dân và giảm chi phí đầu tư cho nông dân. Trên thực tế đến nay, đã nhiều đơn vị, địa phương tổ chức canh tác hồ tiêu ở Gia Lai (Tiêu Lệ Chí), Quảng Trị (Tiêu Vĩnh Linh), Dak Nông và nhiều hộ dân đã thực hành canh tác hồ tiêu hữu cơ và xuất bán các sản phẩm tiêu hữu cơ với giá ít nhất gấp đôi so với tiêu thông thường.
“Tham khảo: Hiệu quả của mô hình canh tác tiêu hữu cơ thuận tự nhiên tại Dak Lak”
Bên cạnh đó là vấn đề tổ chức liên kết sản xuất, so với Việt Nam thì giá hồ tiêu của các nước trong cùng khu vực như Campuchia luôn ở mức cao hơn vì họ sản xuất có tổ chức và làm được thương hiệu quốc gia. Muốn được như vậy nông dân Việt Nam cần phải liên kết và tổ chức sản xuất hợp lý.
Video: Các hộ nông dân phân tích về thực tế canh tác hồ tiêu

Trong những nội dung tới đây, chúng tôi sẽ đi vào phân tích chi tiết về quy trình canh tác hồ tiêu hữu cơ từ thực tế sản xuất tại chính các vườn tiêu của mình với các chuyên đề về các loại nấm bệnh thường gặp – nguyên nhân, hướng xử lý; về hệ sinh thái, dinh dưỡng, các phương pháp chăm đất chăm cây trong canh tác hữu cơ…Mời bà con cùng theo dõi và thảo luận.
Võ Ngọc Dũng (Vườn Nhà Dũng, thôn Xuân Vĩnh, xã Phú Xuân, huyện Krong Năng, tỉnh Dak Lak)
Bài tiếp theo: 4. Thăm vườn tiêu hữu cơ – Chia sẻ về phương thức canh tác
Chuyên đề 3: Câu chuyện của hệ sinh thái cân bằng – thuận tự nhiên

quantriquantri

Bình luận

Tạo bài viết