Xây dựng nhà yến chi phí thấp: Tại sao không?

Giá trị hàng chục triệu đồng cho 1kg tổ yến thành phẩm, khiến nhà yến mọc lên khắp nơi. Thế nhưng, việc níu chân bầy yến, làm cho chúng làm tổ sinh sôi nảy nở trong một môi trường giả lập hoang giã là điều không dễ dàng, đòi hỏi cao về kỹ thuật, vật liệu, môi trường.

Chính vì thế, chi phí đầu tư một nhà yến không hề nhỏ. Tính trung bình cũng hơn 4 triệu đồng cho mỗi mét vuông bao gồm xây dựng thô và kỹ thuật. Với diện tích lý tưởng 5x20x3 = 300m2 mỗi nhà yến cũng phải 1,5-1,7 tỉ đồng. Con số không nhỏ đối với số đông những người mong muốn sở hữu một căn nhà yến.

Nhưng đó có phải là con số bất di bất dịch? Đâu đó ở Malaysia, Indonesia, Thái Lan …và ngay tại Việt Nam, nhiều người đã tính toán và thử nghiệm những phương án xây dựng với chi phí là con số tối giản nhất có thể.

Theo một số nhà thầu xây dựng công trình nhà yến, “tiêu chuẩn cứng” của một công trình nhà yến nằm ở phần hạ tầng kỹ thuật bao gồm gỗ làm tổ, hệ thống âm thanh, kiểm soát độ ẩm, không khí và xử lý dẫn dụ ban đầu.

Một mô hình thiết kế phổ biến của nhà nuôi yến.
Đây là phần kỹ thuật quyết định việc yến có vào ở và làm tổ hay không, nên được xem là phần chi phí gần như cố định, nếu có dao động cũng không lớn và thường chiếm khoảng 50% tổng chi phí. 50% còn lại nằm ở phần xây dựng thô – khung nhà.

Đầu tư nhà yến phải sau 3 năm mới bắt đầu khai thác, nên yêu cầu đặt ra là phải đảm bảo độ ổn định cao, tuổi thọ dài (từ 10 năm trở lên). Theo tính toán của các chuyên gia, để xây dựng một nhà yến tiêu chuẩn 2 – 3 tầng, với nhà lượn, sàn đúc bê tông, tường 2 lớp cách nhiệt, móng đơn… trong thời điểm hiện tại thì chi phí xây dựng phần thô khoảng trên 2.000.000đồng/m2.

Tuy nhiên có thể tùy chọn phương án kết cấu của tòa nhà thay vì tường 2 lớp thì làm 1 lớp rồi sử dụng tấm cách nhiệt, mút xốp. Phần sàn thay vì đúc bê tông kiên cố có thể chỉ cần các dầm chịu lực chính cho tòa nhà và để gắn các thanh lam cho yến làm tổ kết hợp tấm lót Cemboard (tấm lót sàn ximăng dăm gỗ) để làm sàn.

Với phương án này, trọng lượng phần tường, các tầng sàn và tổng trọng lượng tòa nhà sẽ giảm đi rất nhiều, từ đó giảm áp lực lên móng và có thể áp dụng các kết cấu móng có chi phí thấp hơn. Theo cách này, chi phí vật liệu và thi công phần thô có thể giảm xuống khoảng 50%, tổng chi phí cho 1 công trình nhà yến sẽ được giảm xuống ít nhất 1/3 mà vẫn đảm bảo các yếu tố về độ bền, ổn định, và các điều kiện kỹ thuật.

Ở một số nước có nghề yến phát triển như Malaysia, Indonesia, Thái Lan, người ta có thể xây dựng nhà yến bằng thép tiền chế vừa thi công nhanh và giá thành thấp, hoặc sử dụng các vật liệu thay thế gỗ làm tổ như xi măng, đá thậm chí mút xốp bọc lưới inox.

Tại Việt Nam, nhiều hộ cũng đã chọn phương án này, tuy nhiên hiệu quả thì phải qua thời gian mới được xác định. Nhiều người cho rằng, “tiền nào của đó, xây dựng một nhà yến bằng thép tiền chế sẽ dẫn tới độ ổn định không cao vì trong môi trường nhà yến phân và độ ẩm sẽ làm thép nhanh bị rỉ sét trong khi một nhà yến cần thời gian từ 3-5 năm mới đi vào ổn định, khi đó khó có thể can thiệp sửa chữa”.

Chính vì có nhiều phương án kéo giảm giá thành đầu tư nhà yến mà thị trường hiện nay gần như chưa có một khung giá chuẩn. Điều này dẫn đến sự nhiễu loạn của thị trường xây dựng nhà yến. Một nhà thầu đã từng thi công hàng trăm nhà yến cảnh báo tình trạng nhiều nhà thầu vì lợi nhuận mà tư vấn cho chủ đầu tư phương án thi công cao nhưng lại sử dụng vật tư chất lượng thấp, như sử dụng gỗ làm tổ nội địa thay vì nhập khẩu, thậm chí rút bớt số lượng thiết bị như số lượng các loại loa, máy tạo độ ẩm, các loại cảm biến kiểm soát… mà việc này thường chỉ những người có chuyên môn mới có thể phát hiện ra.

Theo tạp chí Nông Thôn Việt

 

quantriquantri

Bình luận

Tạo bài viết