Xử lý Bọ trĩ trong quy trình trồng lúa hữu cơ không dùng phân, thuốc hóa học

Bù lạch (bọ trĩ) trong quy trình canh tác của Tiếng thì không phải diệt hay xử lý, vì đơn giản mình hiểu nó và sẽ không làm gì. Mọi thứ xuất phát từ việc hiểu về đặc tính của sâu hại và cơ chế sinh trưởng của lúa, từ đó mình có cách nhìn nhận và ứng xử phù hợp. Nếu không, chúng ta sẽ can thiệp vào yếu tố tự nhiên của toàn bộ quy trình để rồi từ đó tồn dư phân bón hóa học trong đất, hóa chất trong môi trường và cuối cùng là bản thân nông sản làm ra.

Quy trình trồng lúa hữu cơ không dùng phân, thuốc hóa học của Võ Văn Tiếng
CHUYÊN ĐỀ 4: XỬ LÝ BỌ TRĨ (BÙ LẠCH) KHÔNG SỬ DỤNG THUỐC BVTV

Khi lúa ở giai đoạn 10 ngày tuổi, thông thường sẽ gặp phải bù lạch (hay còn gọi là bọ trĩ) cắn mép lá làm lá lúa quắn lại đồng thời ruộng lúa sẽ có màu vàng. Người dân rất lo sợ loại sâu hại này cắn phá làm chết lúa, còn lúa vàng thì nghĩ rằng lúa bị thiếu phân để rồi phun một đợt thuốc diệt bọ trĩ và bón đợt phân đầu tiên.

Tuy nhiên, đây chỉ là cảm quan vì lúa ở giai đoạn này có 3-4 lá non, và cứ theo quá trình phát triển, cây lúa sẽ tiếp tục ra lá mới còn lá cũ dù không bị sâu bệnh cũng sẽ già và rục đi theo chu trình sinh trưởng của lúa thông thường (7 ngày 3 lá; 10 ngày 4 lá; 12-15 ngày 5 lá). Trong khi đó con bù lạch (bọ trĩ) rất nhỏ, chỉ có thể cắn mép những lá non trong vòng khoảng 5-7 ngày, sau khoảng thời gian đó sẽ chết hoặc di cư (theo đúng vòng đời của sâu hại thông thường) cũng là lúc cây lúa phát triển lá mới to hơn, khỏe hơn – và màu lúa sẽ xanh trở lại, nếu có còn bù lạch ở giai đoạn này cũng không thể cắn hại nhiều hơn vì lá lúa to hơn rất nhiều so với bù lạch.

Về mặt dinh dưỡng trong giai đoạn này cây lúa không hề thiếu phân bởi vì toàn bộ nhu cầu dinh dưỡng của cây lúa con không nhiều (thân lúa 5-8cm; 3,4 lá non) trong khi lớp đất bề mặt đủ tơi xốp và dinh dưỡng cho cây, rễ lúa lúc này ở khoảng 8-10 ngày tuổi đạt khoảng 10cm ăn thẳng để hút chất dinh dưỡng, và tiếp tục ăn thẳng tới 25-30cm cho tới lúc trổ bông sẽ ăn ngang để giữ cho cây lúa không bị đổ ngả trong thời tiết mưa bão. Nếu môi trường đất đủ dinh dưỡng, rễ lúa sẽ tiếp tục ăn sâu xuống để hút chất dinh dưỡng.

Nếu nghĩ rằng cây lúa bị thiếu chất dinh dưỡng và bón phân ngay trong giai đoạn này sẽ làm rễ lúa có xu hướng ăn trên bề mặt, và với lượng phân bón lớn trong khi nhu cầu dinh dưỡng của lúa non còn thấp sẽ dư lại một lượng phân bón hóa học kết hợp với thuốc bảo vệ thực vật sẽ dần làm chai hóa đất – nguyên nhân cơ bản làm cho đất ngày càng chai cằn và cây trồng phải phụ thuộc vào phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật nhiều hơn.
Điều này rất quan trọng vì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến toàn bộ quy trình canh tác lúa hữu cơ tự nhiên. Nếu sử dụng phân bón cho lần này ta đã vô tình tác động vào toàn bộ quy trình tự nhiên.(thúc đẩy cây lúa ăn lên – ko ăn sâu xuống, lượng chất dinh dưỡng hóa học nhiều hơn nhu cầu của cây lúa non (giai đoạn 8-12 ngày tuổi) ko hết sẽ để lại một lượng phân bón hóa học trong đất).
Còn với việc phun thuốc BVTV để diệt trừ bọ trĩ chúng ta cũng đã rải một lượng hóa chất nhất định lên cây lúa mặc dù đây là việc không quá cần thiết nếu chúng ta hiểu rõ về đặc tính sinh trưởng của loại sâu hại này như đã phân tích ở trên.
Như vậy, hiểu rõ cơ chế sinh trưởng của lúa ở giai đoạn này và đặc tính chu kỳ đời sống của bọ trĩ và trong đất có đủ chất dinh dưỡng (bằng cách cải tạo môi trường đất) thì chúng ta hoàn toàn không cần phải sử dụng lần phân bón và thuốc bảo vệ thực vật ở giai đoạn này.

Trên thực tế canh tác của Tiếng trên cánh đồng Tâm Việt trong cả 4,5 vụ liên tiếp, Tiếng đều không sử dụng thuốc trừ sâu (diệt trừ bù lạch – bọ trĩ) và phân bón ở giai đoạn này mà vẫn đảm bảo lúa (sau khi qua giai đoạn 12-15 ngày) sẽ xanh trở lại, lá lúa mới ra to hơn, khỏe hơn lá cũ và không hề ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng sau đó (vẫn đẻ nhánh, phát triển và cho thu hoạch bình thường). Trong khi đó, với cách canh tác thông thường, người nông dân đã sử dụng 1 lần phun xịt thuốc bảo vệ thực vật và một lần phân bón không cần thiết gây tốn kém chi phí sản xuất và tác động đến môi trường – một trong những nguyên nhân chính khiến việc canh tác ngày càng phụ thuộc nhiều vào phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật.
Xem video: Võ Văn Tiếng phân tích cụ thể về cơ chế và cách xử lý bọ trĩ trong quy trình canh tác lúa hữu cơ không sử dụng phân bón, thuốc bvtv

Bài tiếp theo: Phòng và xử lý sâu, rầy – không sử dụng thuốc trừ sâu
Võ Văn Tiếng (Chuyện Làm Nông ghi)
Nội dung bài viết, video và hình ảnh thuộc bộ tài liệu trong “dự án huấn luyện nông dân canh tác bền vững”, với sự hỗ trợ của Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Tổ chức thực hiện: Tiến sĩ Nguyễn Văn Giáp; Mai Phú Khuynh
Người thực hành và hướng dẫn: Võ Văn Tiếng
Hãy để lại ý kiến của bạn để chúng ta cùng xây dựng về cách làm này

quantriquantri

Bình luận

Tạo bài viết