Diệt cỏ cho lúa hữu cơ – không sử dụng thuốc của Võ Văn Tiếng

Không dùng thuốc nhưng Tiếng vẫn xử lý được 90 – 95% lượng cỏ dại trên đồng, còn với những nông dân khác sử dụng thuốc thì yêu cầu và hiệu quả diệt cỏ cũng tương đương. Nhưng họ sẽ tốn chi phí mua thuốc, công xịt chưa kể các vấn về môi trường và chất lượng nông sản. Cách làm của Tiếng cũng dựa trên việc hiểu về cơ chế sinh trưởng của cây cỏ và cơ chế diệt trừ của các loại thuốc.

Quy trình – phương thức trồng lúa không dùng phân, thuốc hóa học của Võ Văn Tiếng
CHUYÊN ĐỀ 3: DIỆT CỎ – KHÔNG SỬ DỤNG THUỐC

Trung bình, người nông dân sẽ sử dụng 2 lần các loại thuốc diệt cỏ để xử lý cỏ dại trong mỗi vụ mùa, những loại thuốc cỏ tuy sẽ không ảnh hưởng nhiều đến cây lúa nhưng sẽ để lại một lượng hóa chất tồn dư trong đất. Ở lần xịt đầu tiên – tiền nảy mầm (giai đoạn lúa mới gieo từ 1 – 4 ngày) cơ chế diệt trừ của các loại thuốc diệt cỏ giai đoạn tiền nảy mầm này là sẽ tạo nên một lớp dạng keo phủ để ngăn cản mầm cỏ hô hấp và quang hợp. Ở lần xịt tiếp theo (cỏ cây – cỏ mầm sẽ lên khi mặt ruộng rút nước/giai đoạn lúa từ 7 – 10 ngày) cũng dựa chủ yếu trên cơ chế này và thêm một số yếu tố về ức chế sinh trưởng của cây cỏ. Trong một số trường hợp, nông dân sẽ sử dụng thuốc ở lần diệt thứ 3 sẽ, diệt trừ các loại cỏ đã nảy lá, nhánh (cỏ cây) tương ứng việc sử dụng các loại thuốc diệt cỏ chọn lọc – với cơ chế tác động vào yếu tố hình thái, cấu tạo sinh lý khác nhau giữa cây cỏ và cây trồng để loại trừ.

Như đã nói ở trên, thông thường việc diệt trừ cỏ sẽ diễn ra 2 lần và hiệu quả diệt trừ sẽ đạt khoảng 90 – 95%. Và chi phí cho 2 lần diệt cỏ sẽ nằm trong khoảng 2tr5/ha (tiền thuốc và công phun xịt). Quan trọng hơn sẽ để lại một lượng tồn dư hóa chất trong đất như đã nói.

Còn với cách làm của Tiếng áp dụng cho đến thời điểm này là 7 vụ mùa. Tiếng sẽ để cho cỏ lên tự nhiên trong giai đoạn lúa 10 – 12 ngày, cây lúa đã lên rất cao (12-15cm), cây cỏ khi đó chỉ tầm 1cm, cây nào cao lắm tầm 2cm, khi đó Tiếng sẽ cho bơm nước ngập đồng khoảng 3-5cm, cây cỏ sẽ bị dìm ngập không quang hợp và hô hấp được thì sẽ yếu và chết đi.

Sau giai đoạn lúa 20 ngày, cây lúa đã lên cao hơn, độ che phủ mặt đất kín hơn, cây cỏ khi đó đã rất yếu vì bị dìm trong nước một số sẽ chết và một số còn lại thì khi lúa phát triển cao hơn sẽ bị cạnh tranh ánh nắng, không khí, nguồn dinh dưỡng của cây cỏ bị eo hẹp lại sẽ dần dần chết đi.

Như vậy mình cũng vẫn diệt trừ được cỏ dại mà hoàn toàn không phải sử dụng thuốc cỏ để tránh cho môi trường đồng ruộng của mình không bị tác động và tồn dư một lượng hóa chất ảnh hưởng đến hệ sinh thái và chất lượng hạt gạo.
Thực ra đây là cách làm được nhiều người áp dụng từ lâu và được gọi thông thường là dùng nước để ém cỏ dựa trên cơ chế sinh trưởng (quang hợp và hô hấp của thực vật). Yếu tố quan trọng nhất để đạt hiệu quả là việc chủ động được nguồn nước để đảm bảo tác động đúng thời điểm sinh trưởng của lúa và cỏ để diệt trừ. (Xem phân tích về Cách bố trí và vai trò của hệ thống thủy lợi trên đồng).

Xem video: Võ Văn Tiếng phân tích về cơ chế diệt cỏ không sử dụng thuốc trừ cỏ trong canh tác

Bài tiếp theo: Xử lý Bọ trĩ trong quy trình trồng lúa hữu cơ không dùng phân, thuốc hóa học
Võ Văn Tiếng (Chuyện Làm Nông ghi)
Nội dung bài viết, video và hình ảnh thuộc bộ tài liệu trong “dự án huấn luyện nông dân canh tác bền vững”, với sự hỗ trợ của Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Tổ chức thực hiện: Tiến sĩ Nguyễn Văn Giáp; Mai Phú Khuynh
Người thực hành và hướng dẫn: Võ Văn Tiếng
Hãy để lại ý kiến của bạn để chúng ta cùng xây dựng về cách làm này

quantriquantri

Bình luận

Tạo bài viết