Đôn tiêu, nên hay không nên và tại sao

Vấn đề lần này tôi muốn trao đổi với các bạn là vấn đề đôn tiêu, nên hay không nên và tại sao.

Đa số những người trồng tiêu lươn đều chọn giải pháp đôn tiêu vì các lí do:
– Tạo hình cho cây tiêu có bộ tán đẹp, không bị hiện tượng “mặc quần đùi”.
– Ra nhiều rễ phụ làm cây tiêu sinh trưởng mạnh hơn.

Ngoài những lợi ích trên, các vấn đề phát sinh sau khi đôn tiêu rất nhiều mà chúng ta có thể nhận thấy như dập dây, nứt dây, cây bị rối loạn sinh trưởng, bệnh hại nhiều hơn…

Chúng ta thử phân tích vài lí do xem sao nhé.

– Rễ hút chất dinh dưỡng và nước từ trong đất và lá thoát hơi nước tạo ra áp suất để đưa chất dinh dưỡng mà rễ hút được lên thân, lá. Tại đây quá trình quang hợp sẽ tổng hợp và chuyển hóa các chất hữu cơ và đưa đi các bộ phận để nuôi cây.
Cây tiêu lươn đang phát triển và xanh tốt bình thường, sau khi đôn nhiều trường hợp bị vàng lá, bạc lá xoăn lá… Bỏ qua yêu tố dập dây, nứt dây làm hư mạch dẫn do quá trình đôn tiêu thì theo tôi còn lí do khác nữa.
Bộ tán lá, thân và rễ luôn cân đối với nhau để quá trình quang hợp, hút dinh dưỡng và nước, vận chuyển chất dinh dưỡng luôn cân đối. Rễ phát triển, cành lá phát triển, thân to ra thể hiện cho điều này.

Đường thẳng là đường ngắn nhất. Khi đôn tiêu chúng ta khoanh đoạn thân không có cành ác thành nhiều vòng dưới đất, điều này có tác động gì không? Theo tôi là có.
Rễ lấy chất dinh dưỡng và nước, lá thoát hơi nước tạo áp suất đưa chất dinh dưỡng lên trên, thay vì đi thẳng lên, chất dinh dưỡng trong thân lại đi lòng vòng quanh các vòng dây đôn rồi mới lên lá, ngọn. Quá trình như vậy trái với đặc điểm sinh học của cây, và chất dinh dưỡng ở đây là các muối khoáng có bị trọng lực “hút” xuống làm “chậm trễ” quá trình vận chuyển lên trên hay không? Tôi không chắc và cũng không tìm ra tài liệu nào nói đến vấn đề này nhưng nếu không thì tại sao các biểu hiện sau khi đôn thường liên quan đến vấn đề trung vi lượng ở phần non như đọt và đầu cành non.

– Sau khi đôn, tại các mắt ở thân dây ra rễ và chồi mới, mỗi mắt ra vài chục rễ và chúng ta khoanh khoảng 10 mắt thì tại các điểm này sẽ ra hàng trăm cái rễ mới. Bộ rễ này là rễ phụ, ăn nông ăn nổi, hấp thu được nhiều nước và phân bón nên làm cây sinh trưởng mạnh.
Nhưng đồng thời bộ rễ này vô tình lại là điểm yếu “chết cây” nếu bị nấm bệnh, tuyến trùng, rệp sáp, hư thối do bón phân, úng thối do ngập nước… Nhất là những vườn làm hố tiêu vừa sâu, vừa to.
Phân tích ra có vẻ dài dòng nhưng tóm lại đôn tiêu sẽ làm cây có thêm nhiều rễ, phát triển tốt nhưng đồng thời cũng tạo ra nhiều nguy cơ bệnh hại từ rễ. Bởi vì bệnh hại phát sinh từ đất, các biểu hiện trên lá chỉ là biểu thị cho các vấn đề mắc phải ở rễ, các bạn có đồng ý với tôi kết luận này đối với cây Hồ Tiêu không?

Đây là kinh nghiệm cá nhân trong quá trình làm vườn và tôi nêu lên mong nhận được thêm chia sẽ từ những bậc tiền bối có nhiều kinh nghiệm trồng tiêu hơn. Không phải là khuyến cáo không nên đôn tiêu mà là việc kiểm soát bệnh hại trong đất nhằm tránh các vấn đề gây hại ở rễ. Bởi có những vườn tiêu đôn đã và đang phát triển rất đẹp nhưng bên cạnh đó cũng có những vườn gặp rất nhiều vấn đề sau khi đôn tiêu nhưng không biết tại sao. Hi vọng chia sẻ này phần nào giải thích bớt một vài nguyên nhân cho ace nào quan tâm.

(Nguồn Hung Vo)

Tham khảo: Canh tác tiêu hữu cơ, cân bằng hệ sinh thái: Lời giải cho bài toán nông sản Việt

quantriquantri

Bình luận

Tạo bài viết